24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gỡ rào cản để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng cao

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh sản xuất nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu. Điều này bắt nguồn từ nhiều lý do.

Sản phẩm chăn nuôi chưa được đẩy mạnh xuất khẩu

Thông tin từ Tiền Phong, theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 76 triệu USD, tăng 18,7%. Xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt phụ phẩm ăn được sau giết mổ đạt 80 triệu USD, tăng 36,5%.

Việt Nam có tổng đàn lợn đứng thứ 5 thế giới (khoảng 25 triệu con, tương đương 3,1 triệu tấn). Trong nửa đầu năm, nước ta xuất khẩu khoảng 19.000 tấn thịt lợn (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh), trị giá trên 18,4 triệu USD. Với lợn sống, chỉ khoảng 6.800 con.

Về vấn đề này, theo thời báo Tài chính Việt Nam, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam đã ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do nên đã tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên, vấn đề về giá bán và vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là rào cản lớn khiến sản phẩm thịt của Việt Nam chưa được đẩy mạnh xuất khẩu.

Thông tin trên Tiền Phong, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, giá thành chăn nuôi của Việt Nam khá cao vì các chuỗi cung ứng phụ thuộc bên ngoài rất lớn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống của nước ta đều cơ bản nhập khẩu và nguồn cung do các doanh nghiệp FDI chi phối nên sản phẩm thịt hiện không thể cạnh tranh được với các nước.

Gỡ rào cản để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng cao
Trong 7 tháng qua, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam ước đạt 276 triệu USD. Ảnh minh họa từ internet.

Với chăn nuôi lợn, giá thành ở Việt Nam vào khoảng 50.000 đồng/kg. Với những trang trại lớn, tự chủ được con giống, giá thành khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ở các nước châu Âu, con số này chỉ khoảng 35.000 đồng/kg. Còn ở châu Mỹ (Mỹ, Brazil), giá chưa tới 25.000 đồng/kg. Nếu so với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, giá thành sản xuất lợn của Việt Nam đang “một trời một vực”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, cho rằng, Việt Nam ở cạnh một thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn là Trung Quốc. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa thể xuất thịt lợn chính ngạch sang thị trường này dù cơ quan chức năng hai nước đã bàn thảo nhiều năm qua. “Khi chưa tìm được đầu ra xuất khẩu cho các sản phẩm, giá thịt lợn, gà… vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh mỗi khi thị trường biến động”, ông Sơn nói.

Theo ông Đoán, các nước trên thế giới đang có xu hướng bảo hộ ngành chăn nuôi rất mạnh. Như Nhật Bản, để xuất hàng vào thị trường này, các doanh nghiệp phải mất 4 - 5 năm đàm phán. “Trong danh mục cả chục sản phẩm, họ chỉ cấp phép cho một vài sản phẩm có hạn sử dụng ngắn, dẫn tới việc xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam hết sức khó khăn”, ông Đoán cho hay.

Theo Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, nhất là các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trong chăn nuôi, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và xuất khẩu với mục tiêu nâng cao giá trị trong thời gian tới, bộ này sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ việc chuyển đổi số vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, bộ hỗ trợ đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu; chú trọng công tác xúc tiến thương mại một cách quyết liệt hơn; hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương; lưu ý đề án chọn con giống, đề án thức ăn, đề án chế biến và giết mổ, đề án xử lý môi trường và thiết bị chuồng nuôi…

Đi tìm giải pháp

Thông tin từ Tiền Phong, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho rằng, để xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc then chốt trong các FTA và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.

Đến nay Việt Nam mới chỉ có 67 nhà máy chế biến thịt quy mô công nghiệp, sản phẩm giá trị gia tăng cao (đồ hộp, hun khói, xúc xích…). Quy mô chế biến thịt lợn của nước ta mới chỉ ở mức 1,3 triệu tấn/năm, chiếm 20-22% sản lượng lợn thịt xuất chuồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác, chăn nuôi Việt Nam đang rơi vào tình cảnh “sản xuất nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”. Cả năm ngoái, xuất khẩu ngành chăn nuôi chỉ đạt 409 triệu USD, trong đó xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp.

Theo ông Tiến, với sản lượng đứng tốp đầu thế giới, ngành chăn nuôi lợn hiện nay không thể quanh quẩn ở thị trường trong nước mà phải hướng đến xuất khẩu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, trước hết cần phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng chính phủ đặt ra cho ngành nông nghiệp.

Theo Hải quan online, theo Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong xuất khẩu gia súc, gia cầm và cũng là nội dung được đưa vào đàm phán các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của WTO (Hiệp định SPS) giữa Việt Nam và các nước khác.

Do đó, cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn (phẩm cấp, hình thức, ATTP,…) các kênh phân phối, tiêu thụ; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu. Đồng thời, tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng (từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian); kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong bán hàng trực tiếp và bán hàng online, phát huy hơn nữa vai trò các hiệp hội bán buôn, bán lẻ, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Việt Nam chi gần nửa tỷ USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt

Ở chiều ngược lại, theo VTV, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi 480,32 triệu USD nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu hơn 57,6 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 108,8 triệu USD, tăng 9,5% về lượng, nhưng giảm 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 29,61 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 73,62 triệu USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nga, Brazil, Đức, Hà Lan và Canada là 5 thị trường lớn nhất cung cấp tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh cho Việt Nam.

Trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 36 thị trường trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Brazil và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Tháng 5/2023, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Hoa Kỳ, Nga, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Italy…

Tuy nhiên, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ một số thị trường lại sụt giảm như: Brazil, Hàn Quốc, Đức, Canada, Australia… Đáng chú ý, nhập khẩu thịt từ Nga tiếp tục tăng mạnh sau khi sụt giảm trong năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả