Giao dịch chứng khoán phiên chiều 4/1: Lực bán chốt lời gia tăng, thị trường rung lắc
Nhiều nhà đầu tư bắt đáy cuối tuần trước đã có lợi nhuận khi hàng về tài khoản sau phiên bùng nổ hôm qua đã nhanh chóng hiện thực hóa lợi nhuận trong phiên chiều nay khiến thị trường rung lắc. Tuy nhiên, nhờ MSN và PLX đảo ngoạn mục giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
Trong phiên sáng, từ đà quán tính của phiên bùng nổ đầu năm, thị trường mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện nên 2 lần VN-Index bị đẩy xuống khi lên vùng giá trên 1.050 điểm.
Với những mã như IBC, nhà đầu tư bắt đáy cuối tuần trước có thể đã có lợi nhuận 19 - 39%, nên lực chốt lời ở 2 mã này khá lớn. Tuy nhiên, lực cầu vẫn cao nên cả 2 duy trì được đà tăng mạnh, trong đó IBC ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp.
Ngoài ra, các mã khác dù mức lợi nhuận không lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường còn nhiều yếu tố bất định như hiện nay, việc kiếm được lợi nhuận là tốt, nên những nhà đầu tư lướt T+ nhanh tay hiện thực hóa ngay đầu năm mới.
Bước sang phiên chiều, áp lực chốt lời diễn ra mạnh hơn và lan ra nhiều mã khác, đặc biệt là nhóm ngân hàng, chứng khoán và một số mã tăng tốt trong phiên sáng như GEX, VCG…, khiến VN-Index rung lắc, có những thời điểm bị đẩy xuống dưới tham chiếu, xác lập mức đáy của ngày. Tuy nhiên, sự khởi sắc của nhóm dầu khí, trong đó PLX leo lên mức trần, cùng với sự đảo chiều ngoạn mục của MSN, cũng như sự vững vàng của một số ít mã ngân hàng khác như VPB, CTG, cộng thêm sự hỗ trợ của VNM, SAB, GVR…, giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên hôm nay, dù mức tăng rất khiêm tốn.
Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng bị chốt lời mạnh khiến sắc đỏ nhiều dần lên và chiếm ưu thế so với sắc xanh với 10 mã giảm, gấp đôi so với 5 mã tăng, cùng 2 mã đứng tham chiếu là MSB và VIB. Trong các mã tăng VPB vẫn giữ được phong độ khi đóng cửa tăng 2,2% lên 18.900 đồng, thanh khoản 42,5 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. CTG cũng giữ được đà tăng 1,8% lên 28.500 đồng, với thanh khoản 5,78 triệu đơn vị. Ngoài ra, có 3 mã tăng nhẹ khác là VCB, TPB và SSB. Trong khi đó, BID lại đảo chiều giảm 1% xuống 40.800 đồng, là mã giảm mạnh thứ 2 trong nhóm sau LPB giảm 1,1% xuống 13.500 đồng. Các mã giảm trên dưới 0,9% là SHB, EIB, HDB, STB, các mã còn lại là TCB, MBB, OCB và ACB chỉ giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn 6 sắc xanh, trong đó chỉ có 3 mã tăng trên 1% là CTS tăng 1,9% lên 13.750 đồng, HCM tăng 1,6% lên 21.750 đồng và VCI tăng 1,4% lên 25.200 đồng. SSI hạ nhiệt chỉ còn tăng 0,5% lên 19.000 đồng, BSI và VIX chỉ tăng mức khiêm tốn. Trong khi đó, VND bị áp lực bán mạnh nên quay đầu đảo chiều giảm nhẹ 0,4% xuống 14.350 đồng, thanh khoản 19,5 triệu đơn vị, đứng đầu nhóm.
Nhóm dầu khí lại có phiên khởi sắc, trong đó PLX đảo chiều ngoạn mục từ mức giảm của phiên sáng đã leo thẳng lên mức kịch trần 35.250 đồng khi đóng cửa phiên chiều, thanh khoản hơn 1,5 triệu đơn vị. Các mã tăng mạnh khác có PXS tăng 5,4% lên 3.900 đồng, PVD tăng 3,2% lên 19.150 đồng, trong khi GAS lại chỉ đứng ở mức tham chiếu 105.000 đồng.
Trong các mã đáng chú ý khác, IBC vẫn yên vị ở mức trần 3.150 đồng phiên thứ 4 liên tiếp, thanh khoản chỉ thêm khoảng 100.000 đơn vị, trong khi lượng dư mua trần tăng thêm hơn nửa triệu đơn vị, cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn cố gắng mua đuổi, trong khi số khác đã chốt lời với mức lợi nhuận kha khá.
Trong khi đó, LCG không thể trở lại mức trần, mà đóng cửa ở mức 8.480 đồng, tăng 6,3% với thanh khoản 17,7 triệu đơn vị, cao nhất 9 tháng.
HAG nới rộng đà giảm với mức giảm 5% xuống mức thấp nhất ngày 9.020 đồng, thanh khoản 24 triệu đơn vị, đứng sau VPB. NVL cũng xuống mức thấp nhất ngày 14.000 đồng, giảm 4,4% với thanh khoản 15,5 triệu đơn vị.
DIG hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,6% lên 15.700 đồng, so với mức 15.850 đồng của phiên sáng, khớp 11,59 triệu đơn vị. Trong khi đó, GEX và VCG cùng đảo chiều giảm 0,8% xuống 13.150 đồng, khớp 17 triệu đơn vị và 1,1% xuống 18.250 đồng, khớp 12,1 triệu đơn vị.
Nhóm thép có sự phân hóa, nhưng các mã đáng chú ý đều giữ được đà tăng, trong đó HPG tăng 0,8% lên 19.400 đồng, khớp 20,23 triệu đơn vị, cao nhất nhóm và đứng thứ 3 trên sàn.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự sàn HOSE khi rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều, nhưng đóng cửa vẫn giữ được sắc xanh.
Trong phiên chiều, có thêm 4 mã gia nhập câu lạc bộ thanh khoản triệu đơn vị, trong đó số mã giảm cũng tăng thêm 3 mã so với duy nhất SHS của phiên sáng. Các mã giảm là SHS giảm 2,2% xuống 9.000 đồng, khớp 13,46 triệu đơn vị, đứng đầu sàn. MBS giảm 1,5% xuống 13.300 đồng, khớp 1,88 triệu đơn vị, HUT giảm 2,6% xuống 15.100 đồng, khớp 1,67 triệu đơn vị và TNG giảm 2,1% xuống 14.100 đồng, khớp 1,24 triệu đơn vị.
Trong khi đó, CEO vẫn duy trì đà tăng, nhưng hạ nhiệt so với phiên sáng, chỉ còn tăng 4,6%, đóng cửa ở mức 20.400 đồng so với mức 20.700 đồng của phiên sáng, khớp hơn 11 triệu đơn vị; PVS vẫn tăng 2,2% lên 22.900 đồng, khớp 7,17 triệu đơn vị; PVC vẫn giữ sắc tím 14.000 đồng, khớp 4,33 triệu đơn vị và còn dư mua trần. Ngoài ra, IDC tăng 4,4% lên 35.800 đồng, khớp 3,36 triệu đơn vị, IDJ tăng 2,4% lên 8.600 đồng, khớp 2,25 triệu đơn vị…
Trong khi đó, UPCoM có diễn biến tích cực hơn 2 sàn niêm yết khi chỉ chịu chút rung lắc đầu phiên, sau đó lấy lại đà tăng, vọt lên mức đỉnh của ngày, nhưng lại hạ nhiệt trong ít phút cuối phiên.
Ngoài BSR và C4G, phiên chiều có thêm VHG, SBS, ABB và OIL gia nhập nhóm có thanh khoản triệu đơn vị. Trong đó, BSR vẫn dẫn đầu với thanh khoản 9,39 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,9% lên 14.300 đồng. C4G tăng 3,9% lên 10.700 đồng, khớp 3,14 triệu đơn vị.
Ngoài ra, còn có VHG thanh khoản 1,88 triệu đơn vị, SBS 1,58 triệu đơn vị và đều đóng cửa ở tham chiếu 2.500 đồng và 5.300 đồng. ABB và OIL khớp hơn 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 8.300 đồng và 2,5% lên 8.300 đồng.
Trên thị trường phái sinh, chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 6 tăng theo VN30, còn lại đều giảm. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 1 giảm 2,8 điểm (-0,3%), xuống 1.042,7 điểm với 341.378 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 46.686 hợp đồng.
Thị trường chứng quyền có sự phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng. Về thanh khoản, có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều do SSI và KIS phát hành (mỗi công ty có 2 mã). Trong đó, CHPG2221 và CVPB2212 do SSI phát hành có thanh khoản 2,2 triệu đơn vị và 2,1 triệu đơn vị; đóng cửa tăng 10% lên 110 đồng và 13,2% lên 430 đồng. Còn CHPG2224 và CSTB2215 do KIS phát hành có thanh khoản trên 1,4 triệu đơn vị, trong đó CHPG2224 đứng tham chiếu 340 đồng, còn CSTB2215 giảm nhẹ 1,2% xuống 830 đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận