menu
Giảm thiểu rủi ro để thu hút đầu tư phát triển điện gió
Bình Minh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm thiểu rủi ro để thu hút đầu tư phát triển điện gió

 Đầu tư điện gió đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi có khá nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Việt Nam dự kiến nâng công suất nguồn điện gió trong tương lai. Vì vậy, vấn đề giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực này được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Ba rủi ro lớn

Là nhà thầu tư vấn dày dạn kinh nghiệm phát triển dự án điện gió, ông Lê Hoài Nam, Trưởng phòng Thiết bị công nghệ - Trung tâm Thuỷ điện và Năng lượng tái tạo thuộc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4) cho biết, có ít nhất 3 rủi ro lớn liên quan đến hiệu quả đầu tư các dự án điện gió.

Trước hết là rủi ro về mặt chính sách. Theo ông Nam, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển năng lượng gió, bao gồm cả điện trên bờ và ngoài khơi. Hiện nhiều văn bản liên quan đến quy định, quy trình đầu tư điện gió có nội dung trùng lặp, chồng chéo. Cùng với đó, chính sách cũng có sự thay đổi thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thực tế. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, sự yên tâm cho nhà đầu tư.

Hai là rủi ro liên quan đến quá trình triển khai dự án. Cụ thể, có 5 yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình này, bao gồm: thiết kế kỹ thuật, các thỏa thuận với cơ quan quản lý, hợp đồng EPC, thu hồi đất và quản lý dự án.

Theo ông Nam, thiết kế kỹ thuật là nội dung hết sức quan trọng của một dự án. Nếu thiết kế kỹ thuật không tốt sẽ dẫn đến chi phí đầu tư dự án tăng cao, tiến độ chậm hoặc cơ quan nhà nước từ chối cấp phép… Nhằm giảm thiểu rủi ro, ông Nam khuyến nghị, nhà đầu tư cần lựa chọn các nhà tư vấn thực sự có năng lực.

Ba là rủi ro trong trường hợp bất khả kháng. Thực tế cho thấy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các dự án điện gió, nhất là việc vận chuyển trang thiết bị, huy động nhân lực…, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, đại diện Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, nhà đầu tư còn phải đối mặt với rủi ro bị cắt giảm công suất. “Việc cắt giảm huy động năng lượng tái tạo hiện nay là vấn đề nhức nhối với nhà đầu tư. Tình trạng này giống như việc ra đường mà bị kẹt xe, vừa mất thời gian vừa mất chi phí, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhà đầu tư…”, ông Thịnh nhìn nhận.

Một số nhà đầu tư quốc tế cũng bày tỏ lo ngại khi đến nay Việt Nam chưa có hướng dẫn chi tiết đối với hợp đồng mua bán điện trực tiếp (PPA); cơ chế thay thế cơ chế giá FIT (giá cố định) cũng chưa được ban hành… Những yếu tố này đều có thể tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư.

Đấu thầu để giảm thiểu rủi ro

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong phương án tính toán mới nhất của Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nâng công suất nguồn điện gió ngoài khơi lên 4 GW vào năm 2030, tăng 1 GW so với các phương án công bố trước đó. Tương tự, trong giai đoạn từ 2030 - 2045, điện gió ngoài khơi tiếp tục được đề xuất nâng công suất.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió theo hướng lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu thay thế cho cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực vào ngày 31/10 vừa qua. Cơ chế giá FIT là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển tại Việt Nam những năm trước đây. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự minh bạch, tăng tính cạnh tranh.

Trong khuôn khổ Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam năm 2021 vừa diễn ra, nhiều ý kiến đánh giá, đây là cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.

Ông Nguyễn Tuấn Phát, Luật sư nội bộ Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 (PECC3) nhận xét, đấu thầu là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, được nhiều quốc gia trên thế giới như: Đan Mạch, Anh, Hoa Kỳ… thực hiện để phát triển các dự án điện gió. Để giúp Việt Nam có được cơ chế đấu thầu hiệu quả, vừa qua, PECC3 đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các sự kiện nhằm lắng nghe, tham vấn kinh nghiệm của các quốc gia này.

“Hy vọng rằng việc thực hiện cơ chế này sẽ giúp Việt Nam lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực, từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết tại COP26”, ông Phát nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả