Giảm sâu năm 2020, lợi nhuận PV Gas (GAS) chật vật trở lại mức trước dịch
Theo SSI Research, lợi nhuận dự phóng năm 2021 của PV Gas sẽ tăng 16,3% so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn 24% so với kết quả đạt được năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu dẫn đến những biến động chưa từng có của giá dầu trong năm qua.
Giá dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm trong thời gian ngắn, thời điểm xuống thấp nhất là -37,63 USD/thùng vào ngày 20/4/2020. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng giảm xuống mức thấp nhất là 17,30 USD/thùng trong cùng ngày do nhu cầu đối với dầu trở nên cạn kiệt do các đợt giãn cách xã hội trên toàn thế giới.
Tính bình quân trong năm 2020, giá dầu Brent ở mức 42,2 USD/thùng trong khi giá dầu nhiên liệu (FO) ở mức 242,6 USD/tấn, tương ứng giảm 34% và 31,6% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp dầu khí “nhạy” với giá dầu điển hình như Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã GAS) theo đó cũng gặp nhiều khó khăn và có thể phải mất nhiều thời gian để quay trở lại mức lợi nhuận trước dịch.
COVID-19 CHẶN ĐỨNG ĐÀ TĂNG TRƯỞNG
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đầu năm 2020, PV Gas đã có chuỗi tăng trưởng khá tích cực trong giai đoạn 2017-2019. Từ mức lợi nhuận 7.172 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm ghi nhận vào năm 2016, “đại gia” ngành khí liên tục tăng trưởng 3 năm sau đó và kết thúc năm 2019 với 12.086 tỷ đồng lãi sau thuế.
Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm, đặc biệt là sản phẩm khí cung cấp cho sản xuất điện và công nghiệp giảm đáng kể, PV Gas ước đạt doanh thu 66.182 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 7.883 tỷ đồng, giảm tới 35% so với thực hiện năm 2019 trước đó và là mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Với “truyền thống” lên kế hoạch kinh doanh thấp cùng sự thận trọng trước những biến động khó lường của dịch bệnh, PV Gas chỉ đặt mục tiêu lãi sau thuế 6.636 tỷ đồng năm 2020, giảm tới 45% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, dù lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm trước nhưng PV Gas vẫn vượt gần 19% kế hoạch cả năm.
Một tín hiệu lạc quan hiếm hoi trong năm qua là việc PV Gas đã nhận được dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí trong những năm đầu khai thác.
Nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ ổn định hơn (khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện tiêu thụ cả nước).
NĂM 2021 CHƯA CHẮC "DỄ THỞ" HƠN?
Năm 2020 đầy khó khăn đã qua nhưng ngành dầu khí nói chung và PV Gas nói riêng cũng chưa chắc đã “dễ thở” hơn trong năm tới khi nhu cầu dầu vẫn đang phải đối mặt với áp lực đáng kể.
Tuy nhiên bất kỳ tin tức nào về tiến triển của vắc xin, hoặc bất kỳ tin tức cắt giảm sản lượng từ OPEC + …. đều có thể trở thành yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi của giá dầu. Do đó, SSI Research nhận thấy khả năng tăng giá nhiều hơn rủi ro giảm đối với giá dầu ở thời điểm hiện tại.
Dựa trên ước tính của các tổ chức kinh tế trên thế giới về giá dầu trong năm 2021, dầu Brent sẽ đạt mức bình quân 52 USD/thùng trong năm 2021, tăng 23% so với cùng kỳ.
Theo SSI Research, sản lượng khí ước tính sẽ tăng 9% do có nguồn khí mới (từ mỏ Sao Vàng) và việc thiếu khí từ Block 11.2 trong năm 2020 sẽ không diễn ra trong năm 2021. Giá dầu FO được giả định tăng 19% cũng sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho PV Gas.
SSI Research dự phóng lợi nhuận năm 2021 của PV Gas có thể tăng 16,3% so với năm trước, đạt gần 9.168 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn tới 24% so với kết quả đạt được năm 2019 và sẽ không đơn giản để PV Gas có thể khỏa lấp khoảng cách này trong ngắn hạn.
Mặt khác, PV Gas sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu đại dịch kéo dài có thể khiến giá dầu thấp hơn dự kiến. Sản lượng khí giảm do các vấn đề ở thượng nguồn và các dự án đang triển khai chậm tiến độ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Theo đánh giá của SSI Research, PV Gas có thể sẽ hưởng lợi từ xu hướng phát triển LNG thời gian tới nhờ lợi thế là bên tham gia đầu tiên vào thị trường này với cảng LNG Thị Vải dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 và sẽ cung cấp LNG cho Nhơn Trạch 3 & 4.
Tuy nhiên, trong dài hạn, PV Gas sẽ không còn độc quyền trong ngành cung khí nữa, khi các công ty trong và ngoài nước như Delta Offshore, Gulf, Sojitz, AES, Petrolimex… cũng sắp tham gia vào thị trường.
SSI Research cho rằng, tăng trưởng hữu cơ của PV Gas hạn chế trong trung hạn (2022-2024), nhưng lợi nhuận dự kiến tăng từ năm 2025 khi các nguồn khí mới (Sư Tử Trắng, Block B và LNG Sơn Mỹ) đi vào hoạt động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận