24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm phát thải carbon: đích đến là hiệu quả của nguồn năng lượng thay thế

Nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 – đưa mức phát thải ròng về không (Net Zero) vào năm 2050 – bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, các cơ quan bộ ngành còn tìm kiếm rất nhiều sự hợp tác quốc tế để Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Và đích đến của con đường khử carbon vẫn là hiệu quả của các nguồn năng lượng thay thế mang tính chất bền vững.

Hợp tác và học tập kinh nghiệm quốc tế

Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Úc, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Đại học Công nghệ Sydney đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Andrew Goledzinowski Đại sứ Úc tại Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước. Giảm phát thải carbon là vấn đề được chính phủ hai nước cùng quan tâm. Ông bày tỏ hy vọng thời gian tới, hai nước sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể về nghiên cứu, mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển bền vững. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực giảm phát thải cacbon góp phần tăng cường quan hệ đối tác cũng như hợp tác kỹ thuật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước.

Giảm phát thải carbon: đích đến là hiệu quả của nguồn năng lượng thay thế
Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: MOST

Cũng tại tọa đàm trên, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để đạt mục tiêu đã cam kết tại COP26, Việt Nam đặc biệt chú trọng đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển năng lượng xanh, sạch, hạ tầng bền vững nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số mang lại lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Ông Duy cho hay, hiện Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như năng lượng mặt trời và gió. Việt Nam cần 2 nguồn năng lượng tái tạo này. Cùng với đó cần chấm dứt lãng phí năng lượng, áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới, loại bỏ dần các công nghệ lỗi thời.

Được biết, chính phủ hai nước Úc và Việt Nam đã ký các thỏa thuận giúp Việt Nam loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy hợp tác thương mại ở cấp bộ trưởng.

Tại tọa đàm, hai bên đã cùng chia sẻ các khó khăn, thách thức, yêu cầu, hiện trạng thực tế trong nỗ lực giảm thiểu carbon và an ninh năng lượng. Đồng thời, hướng tới mục tiêu tăng cường hoạt động hợp tác trong hệ sinh thái đổi mới trong tương lai giữa các nhà khoa học và tổ chức của hai nước.

Được biết, tọa đàm trên được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng như sự cộng hưởng chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Úc. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có nhiều trường đại học của Úc cùng hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam, thiết lập mối quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế – xã hội giữa hai nước.

Ngoài chương trình nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thúc đẩy hợp tác với Úc trong ứng phó biến đổi khí hậu. Cụ thể, tháng 6-2023 vừa qua, đoàn Hội đồng giao lưu chính trị của Úc đã tới làm việc với bộ. Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bộ đã hợp tác với các đối tác của Úc trong các lĩnh vực như tài nguyên nước, đất đai, địa chất và khoáng sản, biến đổi khí hậu và môi trường.

Bên cạnh đó, các cán bộ công chức trong ngành đã được tham gia các khóa đào tạo do Chính phủ Úc cung cấp. Mới đây nhất, Úc đã hỗ trợ các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cho các công chức về thị trường carbon…

Ông Tuấn mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa bộ này với Úc trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Giảm phát thải carbon: đích đến là hiệu quả của nguồn năng lượng thay thế
Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế về nghiên cứu, hợp tác kinh doanh, phát triển bền vững các hoạt động giảm phát thải carbon. Ảnh minh họa là một dự án điện gió ở Lâm Đồng. Ảnh: Yên Minh

Tại buổi làm việc nêu trên, Hạ nghị sĩ Micheal Petterson chia sẻ, Úc luôn quan tâm đến những điểm chung với Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, đoàn Hội đồng giao lưu chính trị của Úc muốn tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý nhà nước tại Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành trong các vấn đề này…

Ông Tuấn cho hay, Việt Nam đã và đang nỗ lực trên con đường tăng trưởng xanh. Những kết quả đạt được trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và người dân, doanh nghiệp còn có sự đồng hành của quốc tế, trong đó có Úc.

“Thời gian tới, để đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ về chính sách, thu hút nguồn lực đầu tư để bù đắp khoảng trống trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Việt Nam mong được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách để giải quyết tốt hơn các vấn đề về môi trường, tài nguyên, khí hậu,” ông Tuấn nói.

Nhằm triển khai hợp tác song phương theo thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu, cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc cũng đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy các dự án tạo tín chỉ carbon trong khuôn khổ điều 6 của thỏa thuận Paris. Biên bản này nhằm triển khai hợp tác song phương theo thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo bản ghi nhớ trên, các bên tham gia thống nhất hợp tác tăng cường năng lực, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm triển khai trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon theo quy định quốc gia; các chính sách quản lý và phát triển các hoạt động, nguồn lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Động thái trên diễn ra trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol mới đây. Cũng trong chuyến thăm trên, Tổng thống Hàn Quốc cho biết, đất nước này sẽ hỗ trợ các khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam với tổng quy mô là 200 triệu đô la Mỹ giai đoạn 2024 – 2027 cho các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, chuyển đổi số… Bên cạnh đó, nước này có kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu chung giữa hai nước với quy mô 30 triệu đô la Mỹ trong khoảng 10 năm tới, nhằm hỗ trợ tập trung đổi mới khoa học công nghệ của Việt Nam.

Ngoài các chương trình trên, bên lề hội nghị COP 27 vào cuối năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ký kết bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải carbon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hợp tác quốc tế là một trong những định hướng hành động chính để Việt Nam triển khai chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, thực hiện những cam kết đạt mức trung hòa carbon.

Thông qua thỏa thuận hợp tác, những kiến thức kinh nghiệm và các mô hình của Pháp sẽ được chia sẻ, giúp Việt Nam định hướng quá trình chuyển dịch.

Theo Bản ghi nhớ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Pháp sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu trong vòng 5 năm tới. Chương trình sẽ đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Theo đó, hai bên sẽ triển khai áp dụng mô hình kinh tế vĩ mô được xây dựng bởi dự án GEMMES Vietnam và kết hợp mô hình này với một mô hình năng lượng nhằm phân tích những hệ quả kinh tế – xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không ở Việt Nam. Chương trình cũng định hướng nâng cao kiến thức và dự báo về tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là về những hiện tượng khí hậu cực đoan kết hợp với những sức ép từ các hoạt động của con người lên môi trường….

Tài chính xanh cho hoạt động giảm phát thải carbon

Ngoài hợp tác với các Chính phủ, các Bộ ngành tại Việt Nam còn hợp tác với các tổ chức quốc tế để thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon. Cuối tháng hai vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Standard Chartered đã bàn về thực hiện nội dung này thông qua chương trình JETP.

Đây là chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch. Chương trình JETP với kế hoạch ban đầu sẽ huy động 15,5 tỉ đô la Mỹ từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng, theo tính toán sơ bộ, Việt Nam cần nguồn lực hàng ngàn tỉ đô la Mỹ. Tại buổi làm việc trên, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc triển khai JETP để từ đó xây dựng kế hoạch và nguồn lực cho việc chuyển đổi năng lượng.

Ông Thành đánh giá cao các nỗ lực và hành động của Standard Chartered trong hoạt động đầu tư, hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Đặc biệt là cam kết đầu tư 8,5 tỉ đô la Mỹ phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ công nghệ với các đối tác Việt Nam.

Ông Thành cũng đề nghị ngân hàng Standard Chartered hỗ trợ trong việc triển khai thỏa thuận JETP, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực cho chương trình này.

Tại buổi làm việc, ông John Murton, cố vấn cấp cao về phát triển bền vững của Standard Chartered cho biết ngân hàng này sẽ giúp Việt Nam kết nối với các quỹ đầu tư để tạo dựng nguồn lực cho việc chuyển đổi năng lượng.

Trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện JETP ở Nam Phi, ông John Murton cho biết, với 8,5 tỉ đô la Mỹ huy động được tại COP26, Chính phủ Nam Phi chịu trách nhiệm vay ưu đãi đầu tư cho các dự án cấp thiết của quốc gia. Hình thức tài chính thứ 2 là sự trộn lẫn giữa Chính phủ và tư nhân. Hình thức thứ 3 là tư nhân tự thực hiện. Ông cho rằng bài học rút ra cho Việt Nam là cần sớm đưa khối tư nhân vào triển khai và trở thành thành viên của ban thư lý JETP với đại diện là một ngân hàng đứng ra làm đầu mối.

Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị Ngân hàng Standard Chartered đồng hành cùng Bộ này đẩy nhanh việc xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam và kết nối với thị trường carbon thế giới.

Trước đó, cuối năm 2022, bên lề hội nghị COP27 tại Ai Cập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam trong thời gian tới.

Buổi làm việc nhằm triển khai các nội dung bản ghi nhớ hợp tác theo điều 6 thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.

Theo ông Ravi Menon để hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng không, cần phải thúc đẩy hình thành thị trường carbon, tạo ra tín chỉ chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư, khối tư nhân tham gia hơn. Ông đưa ra dự báo nhu cầu tín chỉ tại Việt Nam sẽ tăng lên. Trong khi đó, Singapore cũng như các nước trong khu vực đều cần tín chỉ carbon – đây là cơ hội cho Việt Nam tạo ra tín chỉ chất lượng cao và mở rộng trao đổi tín chỉ.

Tại buổi họp đó đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam không chỉ hình thành thị trường carbon mà tiến tới xây dựng thị trường tài chính đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. Thị trường hình thành khi có cơ sở pháp lý, có cung-cầu. Bộ này đề nghị phía Singapore hỗ trợ để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách hình thành thị trường, sau đó là thiết chế để quản trị.

Ông Ravi Menon cho biết ngân hàng này sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm định giá carbon, thông tin về thị trường carbon và công nghệ phù hợp cho các dự án. Bên cạnh đó, cần đưa các định chế tài chính cùng toàn bộ hệ thống mà hai nước có thể hợp tác cùng tham gia xây dựng thị trường. Hai bên sẽ cùng thảo luận để đề ra kế hoạch hợp tác cụ thể với những dự án Việt Nam muốn ưu tiên.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, Việt Nam hiện đang trong quá trình hình thành các vấn đề pháp lý, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đã cùng ký bản ghi nhớ hợp tác theo điều 6 thỏa thuận Paris vào 17-10-2022. Mục đích nhằm thể hiện sự thống nhất và định hướng của hai bên trong hợp tác các dự án thí điểm tạo tín chỉ carbon.

Ngoài ngân hàng trên, HSBC Việt Nam cũng hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp Việt Nam đạt mục tiêu bền vững thông qua bản ghi nhớ hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) được kí vào cuối năm 2022.

Theo đó, HSBC Việt Nam sẽ hỗ trợ xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng xây dựng cơ cấu để mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này.

Cụ thể, trong vòng 8 năm tới HSBC sẽ tập trung vào các mục tiêu chính sau: chia sẻ thông lệ và kinh nghiệm, nhằm giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện cơ cấu và chính sách để khai thác các nguồn tài trợ tiềm năng từ nhà đầu tư và định chế tài chính quốc tế; giúp Việt Nam xây dựng nguồn lực và năng lực cần thiết trong lĩnh vực bền vững; đóng góp và hỗ trợ phát triển các bộ công cụ, hướng dẫn doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đánh giá mức độ phát thải, rủi ro chuyển đổi và phát triển các lộ trình hướng tới nền kinh tế giảm phát thải khí nhà kính.

Bản ghi nhớ là nỗ lực tiếp theo của HSBC Việt Nam trong việc đồng hành cùng Việt Nam hướng đến mục tiêu bền vững lâu dài. Trước đó, HSBC Việt Nam đã cam kết sẽ tài trợ 12 tỉ đô la Mỹ trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2030. Ngân hàng này sẽ huy động nguồn vốn từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế để có thể cung cấp đa dạng các giải pháp, bao gồm tín dụng xanh, tài trợ nợ, chuỗi cung ứng, thương mại, tiền gửi xanh và các sản phẩm đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả