Giải mã lý do thị trường chứng khoán “thăng hoa” bất chấp đại dịch
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các ngành kinh tế chìm vào khó khăn, chứng khoán trở thành kênh được giới đầu tư lựa chọn đổ tiền vào.
Lọt top thị trường sinh lời cao nhất thế giới
Theo VTV, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có một năm "thăng hoa", lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản, số tài khoản mở mới...
VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên ngày 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên ở mức 1 tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục trong phiên ngày 23/12 với gần 53.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, trong 11 tháng của năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định việc xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán năm 2021. Sự hưng phấn của thị trường với các giao dịch tăng vọt khiến liên tục xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh.
Tuy nhiên, khi hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức được đưa vào vận hành kể từ đầu tháng 7/2021 đã giúp giải tỏa nút thắt về thanh khoản trong giai đoạn trước đó, khiến cho thanh khoản trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE gia tăng đều đặn cả về giá trị và khối lượng giao dịch.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) năm 2021, VN-Index đã thành công vượt mốc 1.200 điểm và chinh phục ngưỡng 1.500 điểm, dù nền kinh tế trải qua 2 đợt bùng phát dịch liên tiếp từ đầu năm.
Các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản, dịch vụ tài chính là những ngành dẫn dắt thị trường trong năm 2021, với tỉ lệ đóng góp vào mức tăng của VN-Index lần lượt là 31%, 23%, 15%, 10% và 8%.
Thống kê của của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đến cuối tháng 11/2021 cho thấy, VN-Index tăng gần 34% so với năm 2020, nằm trong top thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, theo sau là thị trường các nước Mỹ với chỉ số S&P 500 tăng 24%, Ấn Độ với chỉ số Sensex tăng 19,5%, chỉ số TWSE của Đài Loan (Trung Quốc) tăng 18,3%.
Những lý do "thăng hoa" năm 2021 và dự báo triển vọng năm 2022
Bàn về nguyên nhân khiến TTCK "thăng hoa" bất chấp các đỉnh dịch, theo Kinh tế & Đô thị, ông Linh Phan - CEO Công ty Take Profit cho rằng do mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp, người dân đổ tiền tìm kênh đầu tư khác. Và chứng khoán là một gợi ý không tồi.
Ngoài ra, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Dòng tiền theo đó chuyển từ sản xuất, kinh doanh sang TTCK. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn từ các doanh nghiệp niêm yết vượt khó, đạt mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng là một nguyên nhân khiến TTCK lên đỉnh năm 2021.
Tại Báo cáo triển vọng chứng khoán năm 2022, các chuyên gia của của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (MAS) kỳ vọng, tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của cổ phiếu) cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của TTCK.
Các động lực thúc đẩy thị trường là sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào; mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Ngoài ra, thoái vốn Nhà nước được thúc đẩy và triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Theo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Quang Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự đoán, VN-Index năm 2022 đạt khoảng 1,700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2022. Khi tỉ lệ tiêm vắc-xin kỳ vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với Covid" của các tháng trước đó, theo ước tính GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7 - 6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công.
Còn phía VCBS thì cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên. Năm 2022, chỉ số VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 - 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận