'Giải mã' các kênh đầu tư bất động sản hiệu quả và bền vững hiện nay
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, các dòng tiền đầu tư hiện nay như: Cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản (BĐS), vàng, tiết kiệm ngân hàng… đang ghi nhận những chuyển biến tích cực nhờ dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại. Song, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong các kênh đầu tư trên, hấp dẫn dòng tiền nhất trong ngắn hạn và dài hạn vẫn là BĐS, nhất là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng khi ngành Du lịch khởi sắc.
BĐS nghỉ dưỡng đang hút dòng tiền
Sau tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với đà phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nhờ hệ thống chính trị và nền kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đang trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt 16,8 tỷ USD đến tháng 9/2022; đồng thời, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không ngừng gia tăng.
Trong bối cảnh đầu tư mới, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền từ các thị trường truyền thống như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đến những tỉnh, thành phố biển còn nhiều tiềm năng như: Phan Thiết (Bình Thuận), Hồ Tràm - Bình Châu (Bà Rịa Vũng Tàu)…
Theo ông Phạm Nguyễn Toan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam, giá BĐS hiện đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc đã tăng đến 100%, trong đó, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đang có đà tăng giá mạnh và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn nhất khi ngành Du lịch lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn năm 2022 - 2023. Đặc biệt, các dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS tới đây sẽ tháo gỡ những vướng mắc lớn về thủ tục đầu tư, quyền sở hữu và chuyển nhượng sản phẩm của thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Qua tìm hiểu, xu hướng và dòng tiền của nhà đầu tư đang vào BĐS bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, không chỉ để phục vụ ngành Du lịch, mà để làm nơi định cư sinh sống, làm việc, vừa nghỉ dưỡng, khai thác kinh doanh. Bởi tại các khu vực đang có sẵn tiềm năng đang được bổ sung nguồn lực hạ tầng cao tốc, sân bay, cũng như những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thuận lợi của các địa phương.
Đáng chú ý, nhu cầu đầu tư các sản phẩm BĐS có nhiều dấu hiệu tăng từ cuối năm 2021, trong bối cảnh các kênh đầu tư chứng khoán, vàng... nhiều biến động, tâm lý đầu tư vào BĐS càng trở nên rõ nét.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhiều nhà phát triển BĐS hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào BĐS du lịch trước thị hiếu nhu cầu sống xanh, sống khỏe.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam cho hay: “Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân ngày càng lớn. Việc nhà đầu tư quan tâm phân khúc này là do có thể sở hữu, sử dụng và kinh doanh"...
Điểm đến đô thị du lịch
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: Các tỉnh duyên hải miền Trung, Nam Trung Bộ trước năm 2010, giá BĐS chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 ở khu vực ven biển, nhưng hiện nay đã tăng tới 30 triệu/m2. Điển hình như các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa... đang tận dụng hiệu quả việc kết nối phát triển thị trường BĐS với phát triển hạ tầng để hình thành các đô thị du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ở góc độ nghiên cứu thị trường, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS nhận định, tâm lý của người Việt Nam thường là mua nhà để ở, nhưng trong đó vẫn tính đến cơ hội đầu tư. Đơn cử, các tỉnh như Bình Thuận sẽ thu hút khách hàng đầu tư ở TP Hồ Chí Minh hay Thanh Hóa thu hút khách hàng từ Hà Nội... bới các thị trường này đang đầy sức hấp dẫn nhờ du lịch phát triển, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, cơ hội sinh lời cao.
Thực tế, Chính phủ đang đầu tư cơ sở hạ tầng khá bài bản cho các địa phương ven biển, từ đường hàng không, đường bộ đến đường thủy, nhất là cao tốc Bắc Nam, tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng hơn, rú ngắn khoảng cách vùng miền, để có cơ hội du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Hiến kế cho việc phát triển các đô thị du lịch tại các địa phương, TS. Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, với những thế mạnh hiện tại, các tỉnh ven biển như Thanh Hóa, Bình Thuận, Khánh Hòa... cần tập trung đầu tư phát triển các đô thị du lịch mới và xây dựng những giá trị mới… Vì việc tập trung xây dựng đô thị du lịch, kiến tạo điểm đến du lịch, thu hút du khách sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ phụ trợ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện và bền vững cho các địa phương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận