Giá xăng lên cao kỷ lục, cổ phiếu Petrolimex (PLX) vượt đỉnh 3 năm
Bất chấp thị trường chung đỏ lửa, cổ phiếu PLX vẫn ngược dòng đầy khởi sắc với mức tăng hơn 4% trong phiên sáng ngày 22/2.
Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã trải qua lần thứ 5 tăng giá liên tiếp và đây là lần tăng giá thứ 2 kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Với mức tăng này, giá xăng RON95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014 và xác lập kỷ lục mới.
Cổ phiếu của Petrolimex (mã PLX) gần như ngay lập tức phản ứng trước thông tin trên. Bất chấp thị trường chung đỏ lửa, cổ phiếu này vẫn ngược dòng đầy khởi sắc, thậm chí có thời điểm tăng 6%. Dù đà tăng bị thu hẹp sau đó nhưng PLX vẫn tạm dừng phiên sáng 22/2 với mức tăng hơn 4% tương ứng vốn hóa tăng thêm 3.000 tỷ đồng.
Nhịp tăng của PLX thực tế đã bắt đầu từ tuần cuối tháng trước khi cổ phiếu này bất ngờ tăng gần mạnh cùng thanh khoản cao đột biến. So với thời điểm cách đây khoảng gần 1 tháng, thị giá PLX đã tăng gần 15% lên 62.300 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây.
Với mạng lưới phân phối hơn 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và gần 2.800 đại lý trên khắp cả nước, Petrolimex hiện là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam, cung cấp 50% tổng lượng xăng dầu cho thị trường trong nước, 60% thị phần phân phối dầu nhờn và hơn 10% thị phần bán buôn LPG.
Năm 2021, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt 169.113 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Lãi ròng thu về 3.111 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.830 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, tập đoàn đã hoàn thành vượt 25% kế hoạch doanh thu và 13% mục tiêu lợi nhuận.
SSI Research đánh giá, lợi nhuận của Petrolimex có thể tăng 25% trong 2022 nhờ sản lượng tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay cũng như các phân khúc khác hồi phục. Việc thoái vốn khỏi PGB có thể đem lại khoản thu nhập bất thường cho tập đoàn nhưng chưa nằm trong dự phóng.
Bên cạnh đó, việc thông qua Nghị định 83 sửa đổi năm 2022 sẽ giúp các công ty phân phối xăng dầu hưởng lợi: (1) thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc sẽ giảm từ 30 ngày còn 20 ngày, (2) thời gian điều hành giá xăng dầu sẽ giảm từ 15 còn 10 ngày và (3) giá cơ sở sẽ tính cả giá nhập khẩu và trong nước, giúp các nhà phân phối xăng dầu điều chỉnh giá sát hơn với giá thế giới, cũng như cơ cấu chi phí.
Mặt khác, đợt bùng phát COVID-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả mảng kinh doanh của Petrolimex. Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận