24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Uyển Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá xăng lập đỉnh: CPI quý I/2022 dự báo tăng 1,8% - 1,9%, sẽ bất ngờ với giá bất động sản

Giá xăng dầu trong nước liên tiếp lập đỉnh, lên gần 30.000 đồng/lít xăng RON95. Theo các chuyên gia, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là mục tiêu rất thách thức. Câu hỏi đặt ra, khi lạm phát tăng, giá bất động sản có tăng hay không?

Giá xăng lập đỉnh, CPI quý I/2022 dự báo tăng 1,8% - 1,9%

Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2021. So với tháng 1/2022, CPI tăng 1%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng này là nhóm chi phí giao thông do giá xăng dầu tăng mạnh (tăng 5,8% so với tháng trước và 47,1% so với cùng kỳ năm trước).

Số liệu thống kê cũng cho thấy, giá xăng dầu tháng 2 tăng 5,8% so với tháng 1/2022 và đóng góp mức tăng 0,21% CPI.

So với cùng kỳ năm ngoái (T2/2021), giá xăng tăng 45,3%, đóng góp tăng 1,62% CPI. Tương tự, giá gas tăng 18,64%, đóng góp 0,27% CPI.

Giá xăng lập đỉnh: CPI quý I/2022 dự báo tăng 1,8% - 1,9%, sẽ bất ngờ với giá bất động sản

Biến động giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Thanh Phong)

Chưa dừng lại, giá xăng dầu tiếp tục tăng và lập đỉnh trong tháng 3/2022 khi giá dầu thế giới leo cao do tác động từ xung đột Nga – Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế, cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021.

Riêng đối với Việt Nam trong quý I/2022, ông Lực dự báo, CPI đạt 1,8% - 1,9%, trong khi đó CPI bình quân quý I/2021 tăng thấp nhất trong 2 thập kỷ chỉ 0,29%.

CPI bình quân cả năm 2022 tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2%. Như vậy, mục tiêu lạm phát 4% là mục tiêu rất thách thức trong năm 2022.

Lạm phát tăng vượt kỳ vọng, giá bất động sản có tăng hay không?

Chia sẻ tại bản tin tài chính và kinh doanh, ông Phan Lê Thành Long – Chuyên gia tài chính nhận định, không có bất kỳ dữ liệu nào thể hiện mối tương quan cùng chiều giữa lạm phát và giá bất động sản.

Đơn cử giai đoạn 2009 – 2010 khi giá bất động sản tăng nóng, tiền rút từ chứng khoán sang bất động sản. Tuy nhiên, giai đoạn bất động sản tăng nóng này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi đó, CPI tại Việt Nam tăng thấp nhất trong 6 năm liền trước. Như vậy, giai đoạn này lạm phát thấp nhưng giá bất động sản ngược lại tăng rất mạnh.

Tương tự, giai đoạn 2011 – 2013, lạm phát tăng mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, đỉnh cao CPI 2011 tăng 18,75%. Khi đó, lãi suất tiền gửi từ 18,5-21,5% và lãi vay lên tới 25-30%. Thanh khoản ngân hàng cạn kiệt, nợ xấu tăng vọt, tỷ trọng lớn nợ xấu nằm trong bất động sản. Thị trường bất động sản đóng băng, giá giảm mạnh.

"Có căn chung cư hạng sang trung tâm Hà Nội, giá bán thứ cấp 2.000USD (xấp xỉ 35triệu), giá bán lại sau 1 năm chỉ còn cỡ 25 triệu - 28 triệu. Như vậy, giá bất động sản và lạm phát giai đoạn này cũng ngược chiều nhau", vị chuyên gia này cho hay.

Gần nhất, CPI năm 2021 tăng 1,47%, trong khi giá bất động sản tăng nóng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Như vậy, giá bất động sản ngược với lạm phát.

Giá xăng lập đỉnh: CPI quý I/2022 dự báo tăng 1,8% - 1,9%, sẽ bất ngờ với giá bất động sản

Không có bất kỳ dữ liệu nào thể hiện mối tương quan cùng chiều giữa lạm phát và giá bất động sản. (Ảnh: T.K)

Đề cập đến các yếu tố tác động tới giá bất động sản, theo ông Long, đầu tiên phải kể đến đó là tín dụng ngân hàng. Khi nào tín dụng dồi dào tức là lãi suất thấp, giá bất động sản có cơ hội tăng trưởng rất mạnh.

Chẳng hạn như giai đoạn 2009-2010, Chính phủ bơm tín dụng thông qua gói hỗ trợ lãi suất 4% là rõ nét nhất. Tiền vào sản xuất kinh doanh thì ít, vào bất động sản khá lớn khiến bất động sản đóng băng những năm tiếp theo.

Hai là, thu nhập dân cư. Bởi xét cho cùng, người có nhu cầu ở là người ở cuối chuỗi giá trị bất động sản. Thị trường bất động sản có tính chu kỳ, cần tích lũy thu nhập trong dân cư để tăng trưởng.

Ba là, hạ tầng cải thiện. Theo ông Long, dù thế nào giá bất động sản cũng phải phản ánh giá trị mà bất động sản tạo ra. Khi hạ tầng được cải thiện, giá sẽ tăng vì bất động sản mang lại cho chủ sở hữu giá trị từ ở đến kinh doanh hay cho thuê. Hơn nữa, hạ tầng cải thiện tạo điều kiện giá bất động sản tăng bền vững, không phải tăng ảo trên truyền thông hay do mối giới đẩy giá ảo.

Bốn là, tính khan hiếm. Giá phân khúc tăng mạnh nhất trong thời gian qua là Biệt thự ở những khu đô thị có vị trí đắc địa, có thương hiệu và quản lý tốt. Bởi phân khúc này khan hiếm, rất ít giao dịch do chủ sở hữu không chịu bán dù giá tăng gấp bằng lần.

Về dài hạn, ông Long cho rằng giá bất động sản luôn tăng – điều đó là đúng. Vì vậy, khi mua bất động sản, nhà đầu tư cần tính đến các yếu tố giá tăng thực sự.

"Lạm phát không phải là nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng, thậm chí lạm phát cao mà khiến lãi suất tăng, tiền tệ thắt chặt là "kẻ thù" của bất động sản, khiến bất động sản đóng băng, giá giảm, kẹt vốn", ông Long khuyến cáo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả