Giá vàng tăng cao, bà chủ "đế chế" PNJ Cao Thị Ngọc Dung thắng lớn
Báo lãi tăng mạnh trong quý III, cổ phiếu của “đế chế vàng bạc đá quý” PNJ cũng liên tục “leo dốc” trên thị trường chứng khoán. Chưa hết, trong bối cảnh giá vàng tăng, PNJ lại đang có gần 5.900 tỷ đồng hàng tồn kho.
Thanh khoản có phần cải thiện nhẹ trên HSX với khối lượng giao dịch đạt mức 191,55 triệu cổ phiếu tương ứng 4.036,15 tỷ đồng và con số này trên HNX là 17,83 triệu cổ phiếu tương ứng 234,96 tỷ đồng.
PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận hôm qua tiếp tục giữ đà tăng, tăng thêm 800 đồng tương ứng 0,98% lên 82.700 đồng/cổ phiếu. Trong 1 tuần qua, PNJ đạt được mức tăng khá 4,55%.
Khối lượng giao dịch ở mã này mặc dù giảm đáng kể so với phiên trước nhưng vẫn xấp xỉ 998 nghìn cổ phiếu, vượt trội so với mức bình quân hơn 400 nghìn cổ phiếu/phiên trong suốt 1 năm qua.
Giá cổ phiếu PNJ đang phản ứng tích cực với thông tin kết quả kinh doanh vừa được doanh nghiệp này công bố. Theo đó, quý III vừa rồi, “đế chế vàng bạc” của bà Cao Thị Ngọc Dung đạt 3.934 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 25% so với cùng kỳ và 208 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17%.
Tại ngày 30/9/2019, PNJ có 7.626 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó, giá trị hàng tồn kho chiếm tới 5.893 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho ở mức cao trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh được cho là một lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp này.
Trở lại với thị trường chứng khoán, số lượng mã giảm giá có phần trội hơn số mã tăng. Theo thống kê, toàn thị trường có 304 mã giảm, 26 mã giảm sàn so với 270 mã tăng và 32 mã tăng trần.
Đáng nói, trong nhóm giảm giá có VIC, VCB, SAB là những mã ảnh hưởng đáng kể nhất đến diễn biến chung của chỉ số. Tác động từ VIC lên chỉ số là 0,98 điểm, VCB là 0,98 điểm và SAB là 0,56 điểm.
Ngoài ra, NVL, BID, MWG, MSN, PLX, HVN cũng sụt giá. Chiều ngược lại, chỉ duy nhất có VNM là có ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index, đóng góp 0,31 điểm, còn lại VHM, HPG, TPB tăng nhưng tác động rất ít.
Sàn HNX cũng diễn ra mua ròng 1,39 tỷ đồng, chủ yếu ở các mã như PVS (3,3 tỷ đồng), DGC (0,68 tỷ đồng). Ở sàn UPCoM, với mức mua ròng 7,61 tỷ đồng, khối ngoại tập trung chủ yếu ở các mã như LPB (3,8 tỷ đồng), QNS (2,9 tỷ đồng), ACV (1,3 tỷ đồng) ...
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán VDSC, sau khi hồi phục và tiến về vùng 990, chỉ số VN-Index đã không còn giữ vững trên ngưỡng này. Dấu hiệu suy yếu của dòng tiền đã ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần thiết nên đứng ngoài thị trường trong thời gian này do dấu hiệu bất ổn và rủi ro tăng lên.
Trong khi đó, BVSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong ngắn hạn. VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong vùng 987-995 điểm trong phiên cuối tuần.
Các nhóm cổ phiếu được cho là sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 3 của từng doanh nghiệp cụ thể.
Sau khi hợp đồng tương lai tháng 10 đáo hạn, biến động của các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ ổn định trở lại. Tuy nhiên, danh mục các cổ phiếu trong rổ này sẽ tiếp tục có sự xáo trộn đáng kể khi các quỹ đầu tư theo rổ chỉ số này sẽ phải thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý 3 trong những tuần cuối tháng 10.
Về diễn biến các nhóm ngành, các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận quý 3 tích cực theo dự báo của BVSC vẫn là ngân hàng, bất động sản, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Bên cạnh đó, một số các cổ phiếu trong rổ VN30 như VNM, MSN, VJC, PNJ… cũng đang có diễn biến tương đối tích cực về mặt xu hướng ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận