Giá trị M&A toàn cầu sụt giảm mạnh
Giá trị của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu đã giảm 29% trong quý đầu tiên của năm 2022 do sự biến động của thị trường xuất phát từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo dữ liệu của Dealogic, tổng khối lượng giao dịch giảm xuống 1,01 nghìn tỷ USD trong quý đầu năm nay từ mức 1,43 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2021, kéo theo sự sụt giảm tương tự 29% trong các giao dịch xuyên quốc gia, do căng thẳng địa chính trị buộc các công ty lớn xuyên biên giới phải tạm hoãn lại việc theo đuổi các hoạt động mua bán chiến lược lớn của họ.
“Chi phí năng lượng tăng cao, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát cao hơn là những yếu tố chính tác động đến cả khách hàng”, Dwayne Lysaght - đồng giám đốc M&A tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi của JPMorgan Chase & Co cho biết.
Bắc Mỹ chiếm hơn một nửa hoạt động giao dịch trong quý đầu tiên, mặc dù khối lượng giảm 28%, trong khi hoạt động M&A ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 33% xuống 184,2 tỷ USD. Khối lượng giao dịch của châu Âu cũng giảm 25% xuống 227,67 tỷ USD.
Các nhà kinh doanh cho biết, hoạt động M&A trong quý đầu tiên bị ảnh hưởng bởi sự so sánh với khối lượng kỷ lục của năm ngoái, khó có thể lặp lại.
Các thương vụ lớn trong quý bao gồm việc Microsoft mua lại nhà sản xuất “Call of Duty” Activision Blizzard với giá 75 tỷ USD và các công ty viễn thông châu Âu Orange và MasMovil kết hợp các doanh nghiệp Tây Ban Nha của họ thông qua liên doanh trị giá 19,6 tỷ euro (21,87 tỷ USD).
Bên cạnh đó theo các nhà phân tích, sự biến động của thị trường chứng khoán khiến các công ty lớn nhất thế giới khó sử dụng sức mạnh vốn hóa thị trường của họ để mua lại các đối thủ nhỏ hơn. Mặc dù vậy theo giới chuyên môn, môi trường tổng thể cho hoạt động M&A vẫn rất mạnh mẽ. “Mặc dù chúng tôi thấy khối lượng giảm, nó vẫn có tốc độ tương tự như giai đoạn từ 2016 đến 2019”, Kevin Brunner - đồng trưởng bộ phận M&A toàn cầu của Bank of America nói.
Đáng chú ý số lượng giao dịch trị giá hơn 10 tỷ USD đã tăng lên 13 so với 12 giao dịch của cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu rằng các doanh nghiệp và các quỹ cổ phần tư nhân không ngại theo đuổi các thương vụ lớn hơn, bất chấp tình hình thị trường hỗn loạn. Đặc biệt hiện lãi suất ở mức thấp đang là điều kiện để các quỹ cổ phần tư nhân đẩy mạnh hoạt động M&A với tổng giá trị đạt tới 204,47 tỷ USD trong quý đầu năm.
“Bạn sẽ thấy hoạt động M&A của các quỹ cổ phần tư nhân tiếp tục chiếm một phần lớn hơn trong hoạt động M&A nói chung vì thanh khoản vẫn đang ở mức kỷ lục”, Jim Langston - đồng giám đốc bộ phận M7A tại Mỹ của Cleary Gottlieb Steen & Hamilton LLP nói.
Xét theo lĩnh vực, hiện lĩnh vực công nghệ tiếp tục dẫn đầu về các hoạt động M&A mặc dù tổng khối lượng đã giảm so với năm ngoái. Trong khi đó, bất động sản là một trong số ít lĩnh vực mà hoạt động giao dịch tăng đáng kể, với khối lượng tăng 47%, do nhân viên trên khắp thế giới trở lại làm việc tại các văn phòng, khiến bất động sản thương mại trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua.
Đáng chú ý hoạt động chăm sóc sức khỏe, thường chiếm tỷ trọng lớn trong các thương vụ M&A, lại giảm hơn một nửa do các công ty dược phẩm lớn áp dụng cách tiếp cận chiến lược thận trọng hơn do sự biến động của thị trường do căng thẳng địa chính trị gây ra.
Giới chuyên môn cũng kỳ vọng hoạt động M&A sẽ tăng trưởng nhanh trở lại khi căng thẳng địa chính trị được giải quyết, mặc quy mô của các giao dịch có thể nhỏ hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận