Giá giấy carton tăng 26%, kết quả kinh doanh của Đông Hải Bến Tre (DHC) kỳ vọng tăng tốc
So với mức đáy hồi quý 3/2023, giá giấy carton đã tăng gần 26%, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của Cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã cổ phiếu DHC) - doanh nghiệp sản xuất giấy công nghiệp có công suất lớn thứ 4 cả nước.
Hưởng lợi từ việc giá giấy carton tăng nhanh trở lại
Sau khi tạo đáy ở khoảng 7.500 đồng/kg vào tháng 9/2023, giá giấy carton tại miền Nam đã phục hồi về quanh mức trung bình 8.800 đồng/kg trong quý 1/2024. Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, giá giấy carton tiếp tục duy trì đà tăng, đạt trung bình 9.430 đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 26% so với mức đáy.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Vietcap, giá giấy carton sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng tại Việt Nam đang hồi phục. Trong thời gian tới, hoạt động bổ sung hàng tồn kho tại những đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng giấy carton trong các lĩnh vực chế xuất. Hồi tháng 5/2022, giá giấy carton đã thiết lập mức đỉnh 12.500 đồng/kg.
Diễn biến giá giấy carton tại thị trường miền Nam qua các tháng. (Nguồn: Vietcap tổng hợp)
Diễn biến thị trường giấy hiện nay được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã cổ phiếu DHC - sàn HoSE) - doanh nghiệp sản xuất giấy công nghiệp có công suất lớn thứ 4 cả nước, chỉ sau nhóm doanh nghiệp FDI.
Ước tính Đông Hải Bến Tre hiện đang chiếm khoảng 7% sản lượng giấy cả nước với sản phẩm chính là giấy bao bì (kraft) và giấy carton. Về mảng bao bì, công ty này đang đứng đầu thị phần tại Tây Nam Bộ với tệp khách hàng chính là các doanh nghiệp thuỷ sản (chiếm tới 40% doanh thu mảng bao bì), may mặc, và dược phẩm.
Về mảng giấy carton, khách hàng chủ yếu của Đông Hải Bến Tre là các doanh nghiệp sản xuất bao bì carton nội địa (chiếm 79% tổng sản lượng) và các đối tác xuất khẩu (chiếm 17% tổng sản lượng).
Đặc thù giấy bao bì là sản phẩm phụ trợ cho hầu hết các ngành sản xuất nên sự tăng trưởng của ngành này sẽ gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là hoạt động tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hàng hoá.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Đông Hải Bến Tre, 2 nhà máy sản xuất thùng carton của công ty đã hoạt động với công suất trung bình 60% trong quý 1/2024, so với mức chỉ 30% trong quý 1/2024. Công ty kỳ vong sản lượng của 2 nhà máy sẽ đạt 100% công suất thiết kế trong vòng 2 - 3 năm tới đây. Đồng thời, công ty đang lên kế hoạch khởi công nhà máy sản xuất thùng carton thứ 3 trong năm 2025 với mức vốn đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, Đông Hải Bến Tre đã có kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất hiệu quả. Trong giai đoạn 2018 - 2019, công ty đã thành công trong việc mở rộng quy mô sản xuất - Nhà máy Giao Long 2, nâng công suất sản xuất giấy lên gấp 4,6 lần, đạt 260.000 tấn/giấy. Và Nhà máy Giao Long 2 đã nhanh chóng chạy tối đa công suất, tạo động lực tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn này.
Đặc biệt, trong top 5 doanh nghiệp sản xuất giấy công nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay, Đông Hải Bến Tre là doanh nghiệp có chi phí đầu tư nhà máy trên mỗi công suất sản xuất/năm thấp nhất nhóm, thấp hơn tới 50% so với mức trung bình các đối thủ còn lại. Điều này giúp cho Đông Hải Bến Tre có sức cạnh tranh mạnh khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Cẩn trọng trước việc giá OCC nhập khẩu tăng, giảm quy mô dự án Giao Long 3
Giá OCC nhập khẩu vào Đông Nam Á (USD/tấn). (Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Vietcap tổng hợp)
Chứng khoán Vietcap lưu ý triển vọng kinh doanh của Đông Hải Bến Tre trong thời gian tới sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của giá giấy bao bì carton cũ (OCC) - nguyên liệu đầu vào chính của công ty. Hiện 40 – 50% lượng OCC đầu vào của Đông Hải Bến Tre là được nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong quý 1/2024, giá OCC trên thị trường quốc tế đã tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu phục hồi trên toàn cầu và khủng hoảng tại Biển Đỏ đẩy giá cước vận chuyển lên cao.
So với nguồn cung OCC trong nước, OCC nhập khẩu có hàm lượng sợi giấy, chất lượng cao hơn, và giá thấp hơn. Trở ngại chính của giấy OCC nhập khẩu là có biến động giá cao hơn, rủi ro về tỷ giá và rủi ro về chính sách khi nhập khẩu phế liệu thải từ nước ngoài.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DHC của Đông Hải Bến Tre trong vòng 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Đối với tiến độ triển khai Nhà máy Giao Long 3, nhà máy này đã bị thu hẹp quy mô và tiến độ bị trì hoãn do các yêu cầu pháp lý về vốn. Theo các quy định hiện tại, đối với các dự án có quy mô vượt quá 10 ha, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải chiếm ít nhất 20% tổng giá trị dự án. Do đó, Công ty Cổ phần Giấy Giao Long - chủ đầu của dự án Giao Long 3 phải đảm bảo có đủ 360 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Theo ban lãnh đạo Đông Hải Bến Tre, công ty đã đóng góp 180 tỷ đồng và phê duyệt kế hoạch phát hành quyền mua cổ phiếu để huy động số tiền còn lại. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc phát hành chưa được công bố.
Bên cạnh đó, quy mô dự án Giao long 3 đã được điều chỉnh từ 2.400 tỷ đồng với công suất 1.200 tấn/ngày xuống còn 1.800 tỷ đồng với công suất 1.000 tấn/ngày. Hiện dự án dự kiến khởi công vào quý 1/2025 và đi vào hoạt động vào quý 3/2027. Nhà máy sẽ tập trung vào các dòng giấy bao bì cao cấp như kraftliner và testliner, thay vì sản phẩm đại trà vốn đã trong tình trạng bão hoà hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường