Giá dầu không còn neo cao, cổ phiếu PVS liên tục biến động
Không còn hút dòng tiền như đầu năm khi giá dầu neo cao, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC, mã PVS) đang liên tục giảm giá.
Sau khi bật tăng trong 3 tháng sau Tết Âm lịch năm nay, giá cổ phiếu PVS liên tục giảm giá và đã giảm xuống gần mức thấp của đầu năm. Cụ thể, cổ phiếu PVS tăng từ mức 36.000 đồng ngày 23/2 lên 45.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/5, rồi nhanh chóng bước vào chu kỳ giảm giá. Tính tới ngày 4/11, giá cổ phiếu PVS giảm còn 37.700 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Có nhiều lý do để cổ phiếu PVS giảm gần đây. Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định: “Nhóm cổ phiếu dầu khí được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đầu tư, vì vậy rất nhạy với các thông tin mới. Trong đó, gần đây việc giá dầu không còn neo cao do lo ngại nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, hàng loạt cổ phiếu dầu khí lớn như OIL, BSR, PVD… cùng bị bán mạnh. Chính vậy, cổ phiếu PVS giảm trong thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý và diễn biến điều chỉnh của ngành dầu khí và thị trường”.
Thực tế, dù cổ phiếu PVS giảm trở lại trong thời gian qua, nhưng các đơn vị phân tích như Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vẫn đánh giá tích cực tình hình kinh doanh của PTSC. VCBS dự báo, lợi nhuận năm 2024 của PTSC tăng 2%, lên 1.086 tỷ đồng; năm 2025, lợi nhuận tăng tới 42%, đạt 1.541 tỷ đồng. Còn Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận năm 2024 của PTSC tăng 7,7%, lên 1.105 tỷ đồng; năm 2025 tiếp tục tăng 30,2%, lên 1.439 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng của PTSC được dự báo đến từ lĩnh vực dầu khí truyền thống khi tiến độ các dự án lớn trong nước đang được đẩy nhanh, như Dự án Lô B - Ô Môn và Lạc Đà Vàng; cùng với tiềm năng lớn của lĩnh vực năng lượng tái tạo như các công trình điện gió ngoài khơi và trên bờ.
Thực tế, mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024, nhưng ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của PTSC cho thấy kết quả khả quan. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 10,3%, lên 9.281 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 11,1%, lên 514 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 4,6%, lên 5,4%.
Ngoài ra, liên quan tới việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang năng lược tái tạo, PTSC cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn lớn theo định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, PTSC cũng lên kế hoạch tài chính đến năm 2030 với nhu cầu vốn lên tới 70.640 tỷ đồng.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC chia sẻ, Công ty chưa có chủ trương tham gia dự án điện gió ngoài khơi trong nước và chỉ đang tập trung dự án xuất khẩu điện gió. Trong đó, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore đang lựa chọn nhà thầu khảo sát, dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất sang đầu năm 2025 sẽ hoàn thành chọn nhà thầu khảo sát.
Được biết, theo kế hoạch, dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore được triển khai cùng đối tác Sembcorp Utilities Pte Ltd (SCU), đơn vị thành viên của Sembcorp Industries Limited. Theo đó, Liên danh PTSC & SCU sẽ cùng nghiên cứu đầu tư xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi tại khu vực tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 2.300 MW để xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Về nhu cầu vốn, theo chia sẻ kế hoạch triển khai giai đoạn 2024-2030 của PTSC, nhu cầu về vốn chủ sở hữu là 17.641 tỷ đồng. Trong đó, 4.720 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2025 và 12.921 tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030.
Ông Lê Mạnh Cường chia sẻ: “PTSC đang tính tới các phương án như chưa chia cổ tức bằng tiền và sử dụng toàn bộ lợi nhuận hàng năm để bổ sung quỹ đầu tư phát triển; thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành chào bán cổ phiếu, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức… (kế hoạch huy động vốn cụ thể chưa được công bố và đang xin ý kiến).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận