Giá cổ phiếu Vingroup cao nhất lịch sử: Chuyển động tại đường đua F1
Vingroup vừa công bố nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, đơn vị đưa Giải đua Công thức 1 về Việt Nam. Theo đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC cũng đang “tăng tốc” và vượt đỉnh lịch sử của mã này.
Phiên giao dịch chiều 24/7, các chỉ số chính hầu hết hoạt động dưới đường tham chiếu. Kết phiên, VN-Index đánh mất 1,05 điểm tương ứng 0,11% còn 988,41 điểm còn HNX-Index mất 0,27 điểm tương ứng 0,25% còn 106,44 điểm. Riêng UPCoM-Index tăng khá mạnh 0,77 điểm tương ứng 1,31% lên 59,23 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm. Có tổng cộng 349 mã giảm giá, 34 mã giảm sàn so với 298 mã tăng và 38 mã tăng trần trên tất cả các sàn phiên hôm qua.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 169,64 triệu cổ phiếu tương ứng 4.243,56 tỷ đồng và trên HNX là 29,36 triệu cổ phiếu tương ứng 425,09 tỷ đồng.
Phiên này chứng kiến sự phân hoá khá mạnh giữa các mã vốn hoá lớn. Trong khi VIC tăng và đóng góp cho VN-Index tới 2,17 điểm thì VCB lại giảm và lấy đi 2,19 điểm của chỉ số.
Nếu nhóm ảnh hưởng tích cực đến VN-Index có sự xuất hiện của các mã PLX, MSN, BVH, NVL, VJC, VNM, BHN… thì ở chiều ngược lại, các mã sau đây giảm giá lại kéo kìm hãm đáng kể thị trường: BID, CTG, GAS, MWG, HPG, TCB, HVN.
Theo nhận xét của VDSC, có quá nửa cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm giá đã gây tác động tiêu cực lên chỉ số VN30, với mức giảm 0,87 điểm (0,01%) và đóng cửa tại 887,39 điểm.
Như đã đề cập ở trên, hôm qua, VIC tiếp tục là mã có tác động tích cực nhất đến thị trường và “gánh” chỉ số. VIC tăng 2.200 đồng tương ứng 1,8%, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tục lên mức giá cao nhất lịch sử của mã này 122.000 đồng/cổ phiếu.
Vingroup vừa công bố thông tin nhận chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix, một doanh nghiệp có vốn điều lệ tới 1.000 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Grand Prix là đơn vị ký hợp đồng với Tập đoàn F1 chủ trì tổ chức Giải đua Công thức 1 và các sự kiện bên lề tại Hà Nội. Đơn vị này đã chịu trách nhiệm ký hợp đồng với F1 để trả toàn bộ phí đăng cai cho 5 năm đầu tiên của giải đua và tiến hành thủ tục bảo lãnh ngân hàng cho hợp đồng theo yêu cầu của F1.
Đồng thời, Vingroup cũng nhận sở hữu nhận chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco (vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng), nâng tỉ lệ sở hữu tại đơn vị này từ 5% lên 99%.
Đáng chú ý là trong báo cáo phân tích kỹ thuật của Công ty CP Chứng khoán Yuanta, VIC được cho là đang trong xu hướng tăng cả trong ngắn hạn (5-10 ngày) và trong trung hạn (1-3 tháng). Ngưỡng kháng cự ngắn hạn của VIC là 122.450 đồng và ngưỡng kháng cự trung hạn lạm là 136.870 đồng.
“Đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở vùng giá hiện tại. Mức mục tiêu ngắn hạn là 136,87” - công ty này cho hay.
Phiên hôm qua, áp lực bán chủ yếu đến từ khối nhà đầu tư trong nước, còn nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng. Khối ngoại giải ngân mạnh trên HSX với 187 tỷ đồng, tập trung mạnh vào VJC (116,6 tỷ đồng); VIC (32,4 tỷ đồng), HPG, MSN. Khối ngại cũng mua ròng ở sàn UPCoM (tập trung tại GVR, QNS, VEA nhưng bán ròng trên HNX chủ yếu tại SHS, PVS, CEO.
VDSC cho rằng, sau phiên tăng mạnh, thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh trong hôm qua song nhóm phân tích vẫn bảo lưu quan điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ tăng trung hạn.
Tuy nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang điều chỉnh và có sự phân hóa nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu chảy vào nhiều mã cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Nhà đầu tư vẫn có thể xem xét các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý II để có sự đầu tư phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận