Gạo xuất khẩu được mùa, được giá mừng cho nông dân đi đúng hướng
Tính đến cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cao hơn đáng kể so với gạo Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, chạm mức cao nhất thế giới.
Tin vui giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ vị trí cao nhất
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau hơn một tháng kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, ngày 19/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng loại có giá 618 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam là 618 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan có giá 561 USD/tấn.
Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn; còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn. Chốt phiên giao dịch ngày 22/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn.
Đáng chú ý, trong giao dịch ngày 25/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 638 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 623 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 628 USD/tấn; Pakistan là 598 USD/tấn.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, về giá gạo Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: Trước hết là tin vui, bởi từ trước đến nay, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn giá gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu tăng cao dẫn đến giá gạo trong nước có thể cũng tăng. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét, tính toán hợp lý để cân đối vấn đề này. Mặt khác, giá gạo tăng cao nhưng nông dân là người trực tiếp sản xuất thì không phải là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giá gạo của Việt Nam hiện nay đang cao nhất thế giới vừa đáng mừng và cũng vừa đáng lo.
Cụ thể, mừng vì lúa gạo của Việt Nam năm nay vừa được mùa, vừa được giá, sản lượng xuất khẩu tăng 25% nhưng giá trị lên tới 36%. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng và đúng thời cơ trong bối cảnh thế giới đang có sự suy giảm nguồn cung và áp lực về thiếu hụt lương thực. Vì vậy, giá gạo hiện nay giúp cho người nông dân có thêm thu nhập cũng như ngành nông nghiệp yên tâm hơn trong định hướng sản xuất lương thực.
Lo là vì nếu trong kho không còn dự trữ thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước, mà vụ mùa tới, diễn biến ra sao thì chưa lường trước được.
Bên cạnh đó, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có sự biến động tăng/giảm nhẹ ở một vài loại. Nhìn chung, giá lúa vẫn neo ở mức cao chưa từng có tại nhiều địa phương giúp nông dân đạt lợi nhuận khá, tích cực sản xuất, đặc biệt là vụ Thu Đông.
Năm nay, vụ lúa Hè Thu được đánh giá là "được mùa, trúng giá", mang về lợi nhuận cho nông dân Kiên Giang khoảng 1,3 - 1,7 triệu đồng/công (1.000m2), cao hơn so với vụ Hè Thu 2022 khoảng 500.000 đồng/công. Diện tích lúa Hè Thu còn lại của Kiên Giang sẽ thu hoạch trong cuối tháng 8, đầu tháng 9.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gạo trên thế giới đã tăng 20% trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu lương thực toàn cầu tăng vọt nhưng nguồn cung suy giảm, nhất là khi Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - ngưng xuất khẩu gạo tẻ (chiếm 80% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm của nước này).
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và của các nước khác nói chung được nhận định sẽ còn tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao kỷ lục khi Ấn Độ vừa quyết định áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu. Đồng thời, thị trường xuất hiện một số đồn đoán về việc Myanmar cũng có thể sẽ tạm thời cấm xuất khẩu gạo.
Theo TTXVN, trong khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ vững vị trí cao nhất thế giới thì thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu cú sốc mới từ quyết định áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu Chính phủ Ấn Độ. Mức thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16/10 tới.
Việc Ấn Độ áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới. Gạo đồ là loại gạo mà phần thóc được ngâm trong nước nóng rồi mới được gia công chế biến.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết, lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo ngoại trừ gạo basmati trước đó đã thúc đẩy một số khách hàng tăng mua gạo đồ và nâng giá loại gạo này lên mức cao kỷ lục. Với mức thuế mới nhất, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ tương tự gạo từ Thái Lan và Pakistan. Người mua hiện nay hầu như không có lựa chọn nào khác.
Bên cạnh đó, một đại lý có trụ sở tại Mumbai chỉ ra, giá gạo toàn cầu đã bắt đầu bình ổn hơn trong vài ngày qua sau khi đã tăng hơn 25% do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vào tháng trước. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ tăng trở lại sau động thái này.
Hồi tháng 7/2023, chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Diễn biến này là vì giá ở các nước xuất khẩu gạo chủ chốt tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Trước thị trường gạo có nhiều biến động, vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp, thương lái cần tránh mua gom ồ ạt lúa gạo, gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý. Để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.
Trước thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga... tác động tới giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu Việt Nam, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ những khuyến cáo kịp thời và sự vào cuộc mạnh của Chính phủ, Bộ Công Thương mà những ngày qua, giá gạo bán ở thị trường nội địa đã không tăng quá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường