24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gần 1.900 tỷ đồng từ các quỹ ETFs rút khỏi TTCK Việt Nam

Thị trường chứng khoán khởi đầu phiên giao dịch tuần cuối của tháng 9 với 3 thông tin đáng chú ý: Các quỹ ETFs rút gần 1.900 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 9, thị trường địa ốc phía Nam chờ đợi ngày mở cửa và xuất khẩu gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất? Dưới đây là nội dung chi tiết trong phiên hôm nay thứ Hai ngày 27/9.

1. Các quỹ ETFs rút gần 1.900 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu tháng 9

Thời gian gần đây, khối ngoại có xu hướng bán ròng khá mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng tuần giao dịch 20-24/9, khối ngoại đã bán ròng 822 tỷ đồng trên HoSE, qua đó nâng lượng bán ròng từ đầu tháng 9 tới nay lên hơn 8.500 tỷ đồng. Đà bán ròng của khối ngoại từ đầu tháng 9 tới nay có "đóng góp" không nhỏ từ các quỹ ETFs, nổi bật là việc rút vốn của DCVFM VNDiamond ETF và FTSE Vietnam ETF.

Dữ liệu từ FTSE Vietnam ETF cho biết trong tuần 20-24/9, quỹ đã bị rút ròng 6,1 triệu USD (140 tỷ đồng) khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu tháng 9 tới nay, dòng vốn rút khỏi quỹ lên tới xấp xỉ 48 triệu USD (khoảng 1.090 tỷ đồng), qua đó trở thành quỹ ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường Việt Nam tính từ đầu tháng. FTSE Vietnam ETF là một trong những quỹ ETF lớn và lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính tới ngày 23/9, quy mô danh mục FTSE Vietnam ETF đạt gần 395 triệu USD, trong đó quỹ đầu tư 100% vào cổ phiếu Việt Nam. Danh mục FTSE Vietnam ETF mô phỏng theo chỉ số FTSE Vietnam Index với 23 cổ phiếu. Trong đợt cơ cấu giữa tháng 9, FTSE Vietnam ETF đã thêm mới KDH và VCI vào danh mục.

Bên cạnh FTSE Vietnam ETF, quỹ ETF nội lớn nhất hiện nay là DCVFM VNDiamond ETF do Dragon Capital quản lý cũng bị rút vốn khá mạnh với giá trị 494 tỷ đồng trong tuần giao dịch vừa qua. Nếu tính từ đầu tháng 9 tới nay, quỹ đã bị rút 974 tỷ đồng, đây là lượng rút vốn mạnh nhất kể từ khi thành lập DCVFM VNDiamond ETF tới nay. Đáng chú ý, trong tháng trước, DCVFM VNDiamond ETF cũng bị rút ròng 717 tỷ đồng. Một trong những bên rút vốn mạnh nhất khỏi DCVFM VNDiamond ETF trong những tháng qua là Pyn Elite Fund – quỹ ngoại có quy mô hàng đầu Việt Nam lúc này.

Ngoài ra, quỹ DCVFM VN30 ETF cũng đang có dấu hiệu bị rút vốn mạnh. Tính riêng tuần giao dịch trước, DCVFM VN30 ETF đã bị rút ròng 203 tỷ đồng. Dù vậy tính từ đầu tháng 9 tới nay, quỹ vẫn hút ròng 105 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, một số quỹ đã có động thái hút vốn (không đáng kể) trong tuần qua. Đáng chú ý nhất là SSIAM VNFinLead ETF đã hút được 22 tỷ đồng; trong khi VinaCapital VN100 ETF cũng hút được 11 tỷ đồng và SSIAM VN30 ETF hút ròng 2 tỷ đồng.

Tính chung trong tuần giao dịch 20-24/9, các quỹ ETFs trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị rút ròng 802 tỷ đồng (gần bằng lượng bán ròng của khối ngoại). Nếu tính từ đầu tháng 9 tới nay, các quỹ ETFs kể trên bị rút ròng gần 1.900 tỷ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

2. Thị trường địa ốc phía Nam chờ đợi ngày mở cửa

Trong giai đoạn dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp địa ốc quy mô nhỏ và vừa, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng phải thay đổi chiến thuật kinh doanh, gần như rút vào hoạt động cầm chừng để vượt qua khó khăn, duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM, trong bối cảnh khó đoán định hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu hướng đến mục tiêu trong 6 tháng và 12 tháng tới, chứ chưa tính đến bước xa hơn.

Hoạt động bán hàng đã khó, việc triển khai thi công các dự án để đảm bảo tiến độ đề ra càng khó khăn hơn trong mùa dịch. Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Trung ương, VREC kiến nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo điều kiện cho hoạt động thi công công trình trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và xây dựng cũng là yếu tố quan trọng trong dây chuyền kinh tế cần được tập trung hơn sau dịch. Theo VREC, thời gian qua, các doanh nghiệp địa ốc không thể triển khai thi công do thiếu giấy phép đi đường, việc áp dụng “3 tại chỗ” ở các công trường xây dựng cũng khó khăn hơn so với tại nhà máy sản xuất, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu..., dẫn đến ách tắc các công trình xây dựng, kéo theo các công ty phụ thuộc trong hệ sinh thái của công trình cũng bị ảnh hưởng.

Ngay khi có thông tin về việc từng bước mở lại kinh tế sau ngày 30/9/2021, các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đã kế hoạch trở lại thị trường sau khi TP.HCM và các tỉnh giáp ranh mở cửa từng phần. Mặc dù đã có sự chuẩn bị, nhưng nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn bày tỏ sự băn khoăn bởi chưa biết sắp tới TP.HCM sẽ chống dịch theo chiến lược nào, lĩnh vực nào được mở trước, lộ trình ra sao, khi mà chưa tới 1 tuần nữa là tới “giờ G”.

Tuy chưa công bố lộ trình mở cửa, nhưng với các dự án đang xây dựng trên địa bàn Thành phố, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau ngày 30/9/2021, các công trình thi công xây dựng sẽ được hoạt động trở lại nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức đo thân nhiệt, khai báo y tế, có biện pháp thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo an toàn... Ngoài ra, người lao động khi đến làm việc tại công trình phải tuân thủ 5K, sức khỏe tốt, không thuộc đối tượng cách ly y tế. Tuy nhiên, để các dự án được thi công trở lại một cách bình thường là không đơn giản, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công, thiếu nguồn cung vật tư, thiết bị, giá cả tăng cao... Bởi thế, việc TP.HCM đưa ra phương án mở cửa trở lại một cách cụ thể, kèm theo hướng dẫn chi tiết các biện pháp đảm bảo an toàn để doanh nghiệp có thể chuẩn bị tốt hơn là vô cùng quan trọng. Dự báo nguồn cung nhân lực lao động sẽ rất căng thẳng sau dịch, khi mà tới nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong khâu dịch chuyển lao động giữa các khu vực để vừa đảm bảo nguồn cung lao động, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch. Với các dự án đang thi công, việc thiếu hụt nhân công sẽ là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thiện công trình.

3. Xuất khẩu gạo Việt Nam có bị ảnh hưởng khi giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất?

Từ tháng 7, xuất khẩu gạo Thái Lan có dấu hiệu khởi sắc. Thông tin từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho hay xuất khẩu gạo tháng 7 đạt 419.578 tấn trị giá 7,47 tỷ baht, tăng lần lượt 7,6% và 4,9% so với tháng 6. Tuy nhiên, xuất khẩu hồi phục mạnh chỉ tập trung ở phân khúc gạo đồ, tăng 107,4% so với tháng 6 và đạt 175.522 tấn, trong khi xuất khẩu gạo trắng vẫn giảm 33,7% trong cùng khoảng thời gian đó, chỉ đạt 136.501 tấn.

Với việc giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đang giảm mạnh như hiện nay, rẻ hơn so với gạo Việt Nam và càng rẻ hơn nhiều so với gạo Ấn Độ, Hiệp hội kỳ vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm đạt 600.000 – 700.000 tấn mỗi tháng.

Giá gạo Ấn Độ tuần qua vững so với tuần trước đó, với loại đồ 5% tấm ở mức 360 - 365 USD/tấn và nhu cầu từ khách hàng Châu Phi cũng đang dần cải thiện, mặc dù nhu cầu từ khách hàng Châu Á vẫn giảm, ngoại trừ Bangladesh. Chính phủ Bangladesh tuần qua đã mở thêm một phiên đấu thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo bổ sung vào kho dự trữ - hiện còn rất thấp, và đã chấp thuận giá bỏ thầu thầu thấp nhất của một doanh nghiệp Ấn Độ, là 428,84 USD/tấn. Với lợi thế gần với Châu Phi về mặt địa lý giúp cho cước phí vận tải giảm mạnh, cộng với nguồn cung trong nước dồi dào và giá gạo rẻ nhất Châu Á, xuất khẩu gạo Ấn Độ đang trên đà tăng mạnh trong năm 2021.

Trái với xu hướng giá của hai nước xuất khẩu gạo trên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua tăng nhẹ, loại 5% tấm lên 415- $ 420 / tấn, so với 410 - 420 USD/tấn cách đây một tuần, mặc dù hoạt động mua bán diễn ra trầm lắng bởi thiếu vắng khách hàng do chi phí vận chuyển cao và hàng chậm giao. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn do Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác thực hiện giãn cách, xuất khẩu gạo trong tháng 8 đã có dấu hiệu khởi sắc.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2021 tăng nhẹ 7,4% về lượng và tăng 1,3% kim ngạch so với tháng 7/2021, đạt 499.033 tấn, tương đương 243,31 triệu USD, song giá giảm thêm 5,6% xuống trung bình 487,6 USD/tấn. So với tháng 8/2020, xuất khẩu gạo trong tháng 8 vừa qua cũng giảm cả về lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 17,4%, 19,9% và 3%.

Về triển vọng xuất khẩu gạo thế giới, dự kiến sự cạnh tranh sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Xuất khẩu gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc khi những hạn chế di chuyển liên quan đến Covid-19 dần được nới lỏng, mặc dù việc giá gạo Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn cản trở xuất khẩu tăng mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
989.57 +1.18 (+0.12%)
PTKT
1,047.71 +0.72 (+0.07%)
PTKT
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả