Eximbank: Tiền chưa tươi, thóc chưa thật
Năm ngoái, sau khi bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt hành chính do không tổ chức được đại hội đồng cổ đông thường niên, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) sốt sắng lên lịch trình cho đại hội đồng cổ đông năm 2020. Eximbank còn định ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội từ rất sớm, sớm nhất trong tất cả các ngân hàng, thậm chí sớm nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
Eximbank tỏ ra nóng lòng và quyết tâm tổ chức cho được đại hội, nhưng cuối cùng ngày 30-6-2020 cả đại hội đồng cổ đông thường niên và đại hội đồng cổ đông bất thường đều không thể tiến hành vì không đủ tỷ lệ người tham dự cần thiết theo quy định pháp luật.
Theo quy định Eximbank phải chuẩn bị đại hội đồng cổ đông thường niên lần hai và thời gian chỉ còn chưa đầy hai tuần...
Hơn ai hết, cổ đông Eximbank thất vọng. Tuy nhiên Eximbank là câu chuyện nhiều tập và khi hiểu được cội nguồn diễn biến phía sau, giới tài chính có quyền hy vọng tìm được một cơ hội kinh doanh ở ngân hàng này.
Dàn trận cổ phần
Đến tận bây giờ thế cờ cổ đông vẫn là vấn đề then chốt ở Eximbank. Theo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose), hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 29,98% cổ phần ngân hàng này (ngày 9-7-2020), trong đó có Sumitomo Mitsui Banking Corporation; Quỹ VOF do VinaCapital quản lý và một số quỹ Hàn Quốc. Vietcombank còn giữ dưới 5%. Nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà N.T.T (tạm gọi nhóm “cô giáo”) nắm giữ khoảng 14-15% cổ phần. Nhóm nhà đầu tư liên quan đến ngân hàng TMCP N. sở hữu tầm 29-30%. Ở đây phải nói rõ sau vụ kiện cáo đầu năm 2019 của một số thành viên gia đình ngân hàng N., phần lớn những người đứng tên số cổ phần có liên quan đến ngân hàng này đã thay đổi. Cho nên trên giấy trắng mực đen, khó mà nói toàn bộ nhóm nhà đầu tư có liên quan tới cái tên ngân hàng N. đường đường chính chính vẫn là cổ đông Eximbank. Đây là một câu chuyện khác có thể tốn nhiều thời gian để đi vào chi tiết.
Trong ba năm qua việc đề cử người vào hội đồng quản trị, người ra người vào đều từ “tranh chấp quyền lực” điều hành hoạt động ngân hàng chủ yếu giữa nhóm nhà đầu tư “cô giáo” và nhóm ngân hàng N.. Các cổ đông tổ chức ngoại xuất phát từ lợi ích của chính họ, trong từng thời điểm cụ thể, mà ngả theo phía nọ hoặc ủng hộ phía kia. Đại diện Sumitomo khu vực châu Á - Thái Bình dương đã có không ít cuộc gặp gỡ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ mong muốn được gia tăng sở hữu ở Eximbank. Trong con mắt của Sumitomo, mặc dù khoản đầu tư mua cổ phần Eximbank với giá gần tám chấm cách đây 13 năm vẫn chưa tiệm cận điểm hòa vốn, Eximbank tiếp tục là ngân hàng tiềm năng và giá trị.
Cuối năm 2018 đầu năm 2019, trong cơ cấu cổ đông Eximbank xuất hiện một nhóm nhà đầu tư tập hợp quanh một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, bất động sản phía Bắc tên T. Nhóm này có lúc đã nắm trong tay tới 15-17% cổ phần Eximbank và được cho là “gương mặt” mới với tiềm lực tài chính dồi dào. Cụ thể của “tiềm lực tài chính” được hiểu là đã mua cổ phần Eximbank bằng tiền tươi thóc thật.
Lúc bấy giờ theo thông tin hành lang mà người viết bài này góp nhặt được, trong trường hợp nhóm doanh nhân T. liên kết với nhóm “cô giáo”, cộng với sự ủng hộ của cổ đông ngoại, họ có thể sẽ chiếm ưu thế áp đảo trên 51% cổ phần ngân hàng. Sự áp đảo này có khả năng gây trở ngại cho vị thế của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ngân hàng N. và một số nhóm nhỏ khác. Thế là bắt đầu một cuộc gom cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên. Không chỉ thị giá cổ phiếu EIB của Eximbank trên sàn HOSE biến động vì nhộn nhịp giao dịch, mà những nhà đầu tư đang có cổ phiếu EIB cũng được chào mời cho phép sử dụng quyền tham dự đại hội và biểu quyết với giá 1.000 đồng/cổ phiếu.
Vẫn tiền thật, tiền ảo
NHNN không phải không nắm rõ tình trạng cổ đông Eximbank. Đại diện cơ quan quản lý yêu cầu các cổ đông phải tuân thủ nghiêm túc quy định về sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng theo Thông tư 36 và thông tư thay thế mới nhất. Đồng thời, NHNN kiên quyết không chấp nhận việc sở hữu cổ phần Eximbank bằng nguồn vốn ảo, tức vốn vay ngân hàng. Trong một lần trao đổi về hoạt động của Eximbank, đại diện NHNN nhấn mạnh tổ chức cá nhân nào chứng minh được nguồn tiền sở hữu cổ phiếu Eximbank là tiền tươi thóc thật, thì sẽ được chấp thuận đưa người vào hội đồng quản trị theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Cứ 10% cổ phần được đề cử một người.
NHNN thông qua số cổ phần của Vietcombank tại Eximbank, đã chỉ định Vietcombank cử nhân sự vào ban tổng giám đốc, hội đồng quản trị ngân hàng. Các nhóm cổ đông khác, trong đó có nhóm ngân hàng N., đã liên tục khiếu nại khi họ không có đại diện trong hội đồng quản trị. Với sự kiên trì qua năm dài tháng ngắn, cuối cùng nhóm nhà đầu tư ngân hàng N. cũng có người là thành viên hội đồng quản trị Eximbank. Khách quan mà nói, với việc sở hữu 29-30% cổ phần lúc cao điểm mà không có chân trong hội đồng quản trị Eximbank là một thiệt thòi cho họ.
Không có nhóm cổ đông nào nắm quyền chi phối, “quyền lực” điều hành hoạt động Eximbank không thể tập trung thống nhất, mà bị phân mảnh. Có thời gian quản lý kinh doanh, rủi ro ở Eximbank không chặt chẽ, lợi nhuận suy giảm, nhân sự chảy máu chất xám... Trong đợt thanh tra toàn diện gần nhất, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã “phát hiện” ra nguồn tiền mà nhóm nhà đầu tư liên quan đến doanh nhân T. sử dụng để đầu tư vào Eximbank cũng không phải tiền tươi thóc thật. Yêu cầu hoặc phải bỏ tiền thật vào, hoặc phải chuyển nhượng cổ phần cho đối tác có tiền thật một lần nữa lại được đặt ra.
Bất chấp vấn đề cổ đông và chuyện đầu tư vào ngân hàng bằng tiền thật - tiền ảo, Eximbank trong 18 tháng qua đã thực hiện siết chặt kỷ cương kinh doanh, quản trị rủi ro, chấn chỉnh huy động - cho vay và tăng cường mảng dịch vụ cùng với trích lập dự phòng và xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Những tồn tại từ trước Eximbank đã xử lý được hết, đã thanh lý tài sản, đã trích lập dự phòng. Nhìn vào báo cáo tài chính quí, năm, các chỉ tiêu như cho vay khách hàng, huy động tiền gửi, tổng tài sản đều không đạt mức tăng trưởng bằng các ngân hàng khác, thậm chí có chỉ tiêu giảm, nhưng chất lượng tài sản của Eximbank đang thuộc hàng những ngân hàng tốt nhất hiện nay như Vietcombank, ACB.
Điều cần kíp cho Eximbank bây giờ là những nhà đầu tư tiền tươi thóc thật. Eximbank có sẵn nền tảng đón chào nhóm nhà đầu tư, đối tác mới làm thuyền trưởng. Khoảng 51% cổ phần ngân hàng hiện nay tính theo giá trên sàn ước khoảng 11.286 tỉ đồng, tương đương 485 triệu đô la Mỹ. Nguồn tiền thật này dường như phải trông vào nhà đầu tư nước ngoài trong khi room của Eximbank luôn kín chỗ. Khó lắm thay!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận