Dược phẩm Trung ương 2 (DP2) “cai thuốc” và bóng dáng của đại gia Cao Minh Sơn
Sau cổ phần hóa, CTCP Dược phẩm Trung ương 2 (mã CK: DP2) rơi vào tay của nhóm công ty có liên quan tới đại gia Cao Minh Sơn và hoạt động của Công ty cũng liên tục tụt dốc khi chạy theo giấc mơ địa ốc.
Khi công ty dược mê đất
Là doanh nghiệp ngành dược, song sau khi cổ phần hóa, DP2 lại mải mê với lĩnh vực bất động sản, lơ là ngành cốt lõi là dược. Hậu quả là Công ty bị thua lỗ triền miên, đặc biệt là từ năm 2016, khi cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) không còn nắm quyền chi phối (chỉ còn sở hữu chưa tới 7% cổ phần).
Thay thế Vinapharm nắm quyền chi phối DP2 là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt và Công ty cổ phần Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn, chiếm tới 87,5%, đây là những công ty có liên quan với đại gia Cao Minh Sơn.
Từ đó, DP2 nhanh chóng lấn sân sang bất động sản, trong đó đáng chú ý nhất là khoản hợp tác đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An để triển khai dự án bất động sản tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có diện tích 11.165 m2.
Đây là khu đất trước đây đặt nhà xưởng của DP2, đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho lập và triển khai một dự án thương mại hỗn hợp theo chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị kiến nghị thu hồi để mở rộng Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.
Điều đáng nói là khoản tiền 94 tỷ đồng DP2 góp vốn đầu tư vào Bình An lại được công ty này vay từ chính Bình An. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình An là ông Cao Minh Sơn và trong danh sách cổ đông sáng lập của Công ty Bình An có Công ty cổ phần Sản xuất Nhật Minh và Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Đất Việt, đều là những doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái kinh doanh của ông Cao Minh Sơn.
Công ty Tài chính Đất Việt không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư địa ốc. Công ty này và Công ty cổ phần Sông Chu từng ký hợp đồng hợp tác liên doanh với Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex để thực hiện dự án tại khu đất ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Công ty Đầu tư Tài chính Đất Việt còn liên doanh với Vinapharm và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Sông Hồng để triển khai dự án Trung tâm dược phẩm, văn phòng - căn hộ tại lô đất số 95 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội (diện tích 3.280 m2).
Ngoài ra, công ty này còn hợp tác với Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) để thực hiện dự án gần 1 ha tại địa chỉ 99C, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM (nằm gần Sân bay Tân Sơn Nhất).
Dự án này được nhắc tới khá nhiều vào năm 2018 khi đây chỉ là khu đất được UBND TP.HCM cho STT thuê ngắn hạn hằng năm để sử dụng làm văn phòng, xưởng sửa chữa xe, bãi đậu xe và nhà kho.
Trở lại với DP2, liên quan đến cuộc chơi "đất vàng" sau cổ phần hóa, không chỉ có dự án tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông, tháng 5/2017, DP2 ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền (công ty do ông Cao Minh Sơn sở hữu 40% vốn điều lệ), Công ty TNHH Sản xuất Nhật Minh để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở thấp tầng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và dự án trung tâm văn phòng cho thuê tại số 15 Thể Giao (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, dự án công trình nhà ở thấp tầng Đại Mỗ trên thực tế là đất được UBND TP. Hà Nội cho Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền thuê theo Quyết định 5011/QĐ-UB ngày 18/7/2002 với diện tích thuê là 7.722,5 m2 để xây dựng cơ sở làm việc và giới thiệu sản phẩm.
Sau đó, đến ngày 7/11/2017, UBND TP. Hà Nội mới có Thông báo 1280/TB-UBND về kết luận của tập thể lãnh đạo UBND Thành phố về việc chuyển đổi chức năng quy hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án hỗn hợp tại phường Đại Mỗ.
Tuy nhiên, trước đó, từ tháng 7/2014, các quyền, quyền lợi, lợi ích phát sinh và các khoản đền bù, bồi thường, các khoản hoàn trả thanh toán khác thu được từ việc đầu tư, khai thác giá trị dự án trung tâm mua sắm và văn phòng high-tech trên thửa đất này đã được Việt Hiền đem thế chấp làm tài sản đảm bảo cho Ngân hàng OceanBank - Chi nhánh Sài Gòn.
Những khoản nợ xấu nghìn tỷ
Liên quan đến đại gia Cao Minh Sơn, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, các công ty liên quan đến đại gia này đang có các khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng tại OceanBank. Các khoản nợ xấu này đều liên quan tới các hợp đồng tín dụng từ thời ông Hà Văn Thắm còn là Chủ tịch HĐQT OceanBank.
Cụ thể, ngày 22/6/2020 vừa qua, OceanBank đã tổ chức bán đấu giá khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của CTCP Dệt may Đông Á (Dagatex), công ty mà ông Cao Minh Sơn nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT, với giá khởi điểm là 998,8 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ gồm: 3,6 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Phúc Thịnh do Dagatex nắm giữ; quyền đầu tư toàn bộ dự án đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng và tài sản hình thành trên đất tại địa điểm số 185 - 189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM; quyền sử dụng đất thuê 50.000 m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (thời hạn thuê đến 12/9/2053); quyền sử dụng đất nông nghiệp (tổng diện tích 78.430 m2) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM, bao gồm 7 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 7 hộ dân và các biên bản giao nhận tiền, biên bản kiểm kê thiệt hại, biên bản hiệp thương đền bù.
Giá trị khoản vay của Dagatex và khoản lãi không được công bố, nhưng các hợp đồng tín dụng và giấy nhận nợ của công ty này với OceanBank - Chi nhánh Sài Gòn ghi nhận thời điểm thực hiện vào các năm 2012 và 2013.
Trước đó, OceanBank cũng đã thông báo, sẽ tổ chức đấu giá khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền vào ngày 12/6/2020 với giá khởi điểm 191,1 tỷ đồng. Cụ thể, OceanBank rao bán toàn bộ hơn 4,5 triệu cổ phần Dagatex thuộc sở hữu của Việt Hiền; 415.000 cổ phần của Dagatex thuộc sở hữu của ông Cao Minh Sơn; và toàn bộ 217.700 cổ phần Dagatex của ông Trần Văn Vinh.
Bên cạnh đó, Công ty Phát triển Việt Hiền và ông Cao Minh Sơn còn liên quan đến một khoản nợ xấu khác tại OceanBank là khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Tùng Lâm.
Tài sảm đảm bảo bao gồm của khoản nợ này là quyền phát triển, khai thác dự án và tài sản hình thành tương lai tại dự án 160 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội; 48.000 cổ phần CTCP Đầu tư xây dựng và Du lịch Lạc Hồng thuộc sở hữu Công ty Sản xuất Nhật Minh và ông Cao Minh Sơn, chiếm 80% cổ phần doanh nghiệp.
Đặc biệt là quyền lợi phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Phát triển Việt Hiền và Công ty cổ phần Sông Châu trong việc thực hiện dự án Khu đô thị Sông Châu, tại Hà Nam. Công ty cổ phần Sông Châu là doanh nghiệp do ông Cao Minh Sơn làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Khối tài sản đảm bảo này được OceanBank mang ra đấu giá với mức khởi điểm là gần 353 tỷ đồng, bằng tổng nghĩa vụ của khoản vay tính đến tháng 6/2020.
Như vậy, ước tính, tổng giá trị tài sản bảo đảm đưa ra đấu giá của 3 khoản nợ liên quan đến ông Cao Minh Sơn có giá trị hơn 1.500 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận