Đức Long Gia Lai nói về việc Toà án quyết định mở thủ tục phá sản
Tập đoàn Đức Long Gia Lai khiếu nại về quyết định mở thủ tục phá sản do TAND tỉnh Gia Lai ban hành. Tuy nhiên, luật sư khuyên doanh nghiệp này cần thương lượng với bên nộp đơn.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai ngày 9/10.
Trong thông cáo được Tổng Giám đốc Nguyễn Tường Cọt ký, Đức Long Gia Lai cho biết, căn cứ vào Luật Phá sản năm 2014, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) không chấp nhận quyết định nói trên của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản gửi Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai và Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Theo phán quyết của tòa án cho biết, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 9/10, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản.
Ngày 25/7, Công ty Lilama 45.3 có đơn gửi Tòa án Nhân dân Gia Lai yêu cầu mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai vì không đòi được khoản nợ 20 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai. (Ảnh: DLG)
Trong biên bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hồi đầu tháng 9, ông Cọt khẳng định, DLG không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính của doanh nghiệp đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Khoản nợ của CTCP Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của công ty. Khoản nợ này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của công ty, do đó công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.
Cần ngồi xuống đề thương lượng
Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh cho biết, chỉ cần khoản nợ 100 triệu là đủ để đề nghị mở thủ tục phá sản.
Về tình huống của Đức Long Gia Lai, ông Truyền cho rằng, lúc này Đức Long Gia Lai phải ngồi xuống thương lượng và làm việc với bên nộp đơn. Phá sản là thủ tục đòi nợ tập thể thì vẫn thương lượng thoả thuận như bình thường. Đức Long Gia Lai cần hiểu mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Cũng theo luật sư này, nếu không thỏa thuận được thì sau đó có hội nghị chủ nợ. Việc mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Hiện, Đức Long Gia Lai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, với hàng chục nghìn cổ đông.
Trong phiên giao dịch 13/10, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai bị bán tháo rất mạnh, giảm hết biên độ xuống 2.420 đồng/cp. Dư bán giá sàn cổ phiếu tới cuối phiên lên tới hơn 9 triệu đơn vị.
So với mức giá trên 10.000 đồng/cp hồi đầu năm 2022, cổ phiếu DLG đã giảm rất sâu.
Đức Long Gia Lai không chấp nhận quyết định của tòa.
Vay nợ ngân hàng nhiều
Đức Long Gia Lai kinh doanh gần đây sa sút. Nợ phải trả tới cuối tháng 6/2023 lên tới gần 4.600 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 2.749 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 1.172 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.775 tỷ đồng.
Tới giữa năm 2023, DLG vẫn còn khoản tiền mặt 161 tỷ đồng và khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 50 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai còn vay vài nghìn tỷ đồng nhiều ngân hàng như BIDV, VietinBank, Sacombank. Tính tới cuối tháng 6/2023, DLG còn dư nợ tại BIDV khoảng 2.200 tỷ đồng, trong đó có gần 1.400 tỷ đồng vay dài hạn, còn lại gần 800 tỷ đồng ngắn hạn và trái phiếu.
Vay ngân hàng nhiều.
Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT,...
Đức Long Gia Lai cũng có dư nợ với VietinBank khoảng 500 tỷ đồng, với thế chấp là quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường