Đức Long Gia Lai ẩn số các khoản vay
"Nợ như chúa chổm", mất cân đối tài chính, bị nghi ngờ về khả năng hoạt động nhưng lại có hàng nghìn tỷ cho vay... Đây là những vấn đề đang diễn ra tại Đức Long Gia Lai.
Thực tế, tình hình tài chính của Đức Long Gia Lai đã xấu đi từ năm 2019 khi lần đầu báo lỗ 7 tỷ đồng. Năm 2020, doanh nghiệp lập kỷ lục trong lịch sử hoạt động khi lỗ ròng tới hơn 900 tỷ đồng.
Điều đáng nói ở đây là dù doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn nhiều năm qua nhưng vẫn mang tiền đi cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Một câu hỏi được các nhà đầu tư đặt ra là tại sao không dùng tiền đó để giải quyết các khoản nợ đến hạn?
Có thể có ý kiến cho rằng, cho vay cũng là một hoạt động sinh lời hiệu quả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại BCTC 6 tháng đầu năm 2021 của Đức Long Gia Lai đã thể hiện, công ty thu được hơn 110 tỷ đồng tiền lãi cho vay nhưng phải trả hơn 180 tỷ đồng chi phí lãi vay cho các bên. Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Đức Long Gia Lai bị ăn mòn.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy, hoạt động cho vay gần như không mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, khoản mục phải thu về cho vay cả ngắn và dài hạn thì "đối tượng khác" luôn chiếm phần lớn số tiền cho vay của Đức Long Gia Lai.
Đơn cử như mục cho vay ngắn hạn của doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2021 đang ghi nhận 1.191 tỷ đồng thì các đối tượng khác đang vay gần 783 tỷ đồng, chiếm gần 66%. Vậy vấn đề ở đây là gì?
Theo nhận định của một nhà đầu tư lâu năm, hoạt động cho vay của doanh nghiệp có thể là một "chiêu" đẩy tiền về túi riêng của "ông chủ" doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp. Thế nhưng nhận định này có vẻ hơi thiếu thuyết phục khi chính bản thân ông Pháp và gia đình cũng đang mang khá nhiều tài sản cá nhân đi thế chấp cho các khoản vay của Đức Long Gia Lai.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn tài chính, ông Đặng Trần Phục- đại diện của AzFin Việt Nam cho biết, trên thị trường chứng khoán việc một doanh nghiệp đang nợ chồng chất nhưng lại mang tiền đi cho vay không hiếm, bên cạnh những đơn vị có câu chuyện riêng thì đây cũng là một "thủ thuật" làm đẹp báo cáo tài chính.
Theo đó, công ty hoàn toàn có thể "phù phép" cho tổng tài sản tăng lên nhằm đảm bảo điều kiện của một mục đích khác (như phát hành cổ phiếu, tăng vốn ảo...) thông qua việc dàn xếp một số giao dịch cho vay dù các giao dịch đó nhiều khả năng là không có thật.
"Một doanh nghiệp đang thua lỗ, nợ vay áp đảo thì làm gì có tiền thật mà cho vay. Có một thực tế là, đối với các doanh nghiệp này thì các khoản phải thu thường lớn", ông Phục cho biết.
Dẫn ví dụ về nhận định này, ông Phục đưa ra câu chuyện của cổ phiếu MTM (CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung) cách đây nhiều năm có thể thấy, tại BCTC quý III/2017, doanh nghiệp không có doanh thu, chi phí bán hàng nhưng phần thuyết minh lại trình bày khá chi tiết về chỉ tiêu phải thu khách hàng ngắn hạn.
Theo đó, Khoáng sản Miền Trung có 6 khoản phải thu liên quan đến các CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Khoáng sản và luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Luyện kim Đông Bắc, CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK), CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) nhưng thực chất là xuất hóa đơn, tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận