Dự báo thế giới thiếu hụt nguồn cung, DN ngành gạo sẽ được hưởng lợi?
Theo báo cáo ngành gạo của CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã nhận định Thái Lan và Việt Nam sẽ hưởng lợi và gia tăng lượng xuất khẩu trong năm 2022 và 2023, trong bối cảnh thế giới được dự báo thiếu hụt nguồn cung gạo do sự hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu năm 2023 sẽ giảm từ 55,47 triệu tấn xuống còn 53,61 triệu tấn năm 2022, tương ứng mức giảm 3,4% chủ yếu do sự sụt giảm từ thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo Thái Lan và Việt Nam sẽ hưởng lợi và gia tăng lượng xuất khẩu trong năm 2022 và 2023.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (20,2 triệu tấn năm 2021, chiếm gần 40% thị phần sản lượng) đã cấm xuất khẩu gạo tấm. Trong một nỗ lực để kiểm soát giá nội địa, chính phủ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo bắt đầu từ ngày 9/9/2022 do lo ngại ảnh hưởng xấu thời tiết gây ảnh hưởng sản lượng.
Theo USDA, dự báo sản lượng tại riêng thị trường Ấn Độ năm 2022 ở mức 21,5 triệu tấn, tăng 6% cùng kỳ nhưng lại giảm về mức 20 triệu tấn năm 2023, giảm 7% cùng kỳ do tác động của việc giảm sản lượng sản xuất.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng Cục thống kê, trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 5,443 triệu tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
MASVN dự báo sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam năm 2022 đạt 6,6 triệu tấn, tăng gần 7% cùng kỳ (YoY) và năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn, tăng 3,3% YoY nhờ điều kiện thị trường thuận lợi khi Ấn Độ giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Philippines. Tương ứng, MASVN dự báo giá trị xuất khẩu 2022 đạt 3,23 tỷ USD, giảm 1,1% YoY, do giá bán trung bình giảm 7,2%YoY chỉ đạt 490 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo giá trị xuất khẩu sẽ phục hồi lên mức 3,47 tỷ USD, tăng 7,2% YoY nhờ giá bán cải thiện tích cực.
Công ty CP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN, giá mục tiêu 25.100 đồng/cp)
Pan Group là tập đoàn với hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm: Giống cây trồng và gạo (NSC), Tôm xuất khẩu (FMC), Bánh kẹo (BBC), Cá tra & nghêu (ABT), Hạt và trái cây sấy (LAF), Thuốc trừ sâu (VFG), và Nước mắm (584 Nha Trang). Trong đó, VFG chiếm khoảng 7% thị phần nông dược, 60% thị phần dịch vụ khử trùng. VFG đã được hợp nhất hoàn toàn vào báo cáo tài chính của PAN từ tháng 12 năm 2021 sau khi nâng sở hữu lên hơn 50%.
6 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lãi ròng hợp nhất lần lượt đạt 6.168 tỷ đồng và 396 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 150% so với cùng kỳ: 1) Giống cây trồng và gạo (NSC) tăng 15,1% YoY doanh thu; 2) Tôm xuất khẩu (FMC) tăng 28,7%; 3) mảng thuốc trừ sâu đóng góp mới trong 6 tháng đầu năm đạt 1.344 tỷ đồng; 4) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 17,3% lên mức 19,2%.
Hệ sinh thái rộng khắp trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm giúp hoạt động PAN ổn định qua nhiều năm và có khả năng đề kháng với suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây là cũng là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp trong cùng ngành nông nghiệp và thực phẩm.
Dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ năm 2022 đạt 13.738 tỷ và 483 tỷ đồng, tăng 48,5% và 63,2% cùng kỳ. Năm 2023, MASVN kỳ vọng hoạt động kinh doanh của PAN vẫn sẽ tăng trưởng tốt. Dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ năm 2023 đạt 15.149 tỷ và 557 tỷ đồng, tăng 10,3% và 15,3% cùng kỳ: 1) mảng thuốc trừ sâu tăng 20,3%YoY, đạt 3.557 tỷ đồng doanh thu nhờ hợp tác Syngenta phát huy hiệu quả; 2) mảng giống cây trồng & gạo đạt 2.322 tỷ đồng, tăng 8,2%YoY; 3) tôm xuất khẩu đạt 6.348 tỷ đồng, tăng 6,8%.
EPS forward đạt 2.506 đ/cp, tương ứng P/E forward 2022 ở mức 7,8 lần, quanh vùng thấp nhất trong 10 năm. MASVN đánh giá tích cực dành cho PAN: 1) hệ sinh thái hoàn chỉnh tạo lợi thế cạnh tranh lớn; 2) ngành nghề ổn định, phát triển tốt trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR, giá mục tiêu 23.200 đồng/cp)
Sở hữu thương hiệu gạo Trung An với 6 nhà máy xay xát đặt tại Cần Thơ. Thương hiệu gạo Trung An đã hợp tác chiến lược, phân phối trên hệ thống siêu thị Winmart khắp cả nước. Thị trường nội địa chiếm 84% doanh thu năm 2021, trong khi 16% doanh thu đến từ xuất khẩu tại 12 nước. Trong đó, thị trường Hàn Quốc là thị trường lớn nhất chiếm 47% doanh thu xuất khẩu. Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước. Trong đó, 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.
TAR dừng kế hoạch chuyển nhượng lô đất phi nông nghiệp 11,000m2 tại Cần thơ trong năm 2022, nên chuyển sang kế hoạch mới thận trọng hơn. Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, TAR đặt mục tiêu doanh thu 3.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,2% và 13,8% so với thực hiện năm 2021. TAR dự kiến hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, khi có thể gia tăng các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt sang thị trường Trung Quốc.
6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1.723 tỷ đồng và 46 tỷ đồng, tăng 40% và 154% cùng kỳ: 1) hoạt động xuất khẩu tích cực; 2) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 8% lên mức 10,1% nhờ giá bán tốt cũng như chi phí nguyên liệu tích cực.
Dự báo năm 2022, doanh thu và lãi ròng thuộc công ty mẹ đạt 4.101 và 177 tỷ đồng, tăng 31,4% và 99,9% cùng kỳ. Dự báo doanh thu và lãi ròng thuộc công ty mẹ năm 2023 lần lượt đạt 4.479 tỷ và 221 tỷ đồng, tăng 9,2% và 24,5% cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 10,4% lên 10,8%; 2) doanh thu gạo nội địa tăng trưởng 5,2% YoY, trong khi xuất khẩu tăng trưởng 25% YoY.
MASVN đánh giá tích cực dành cho TAR nhờ: 1) thương hiệu gạo đạt chất lượng cao, kỳ vọng sức tăng trưởng cao trong tương lai; 2) hoạt động kinh doanh ổn định, thị trường năm 2022 và 2023 thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.
Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG, giá mục tiêu 38.900 đồng/cp)
Tập đoàn Lộc Trời bao gồm 14 công ty con và 2 công ty liên kết. Hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 49% doanh thu 2021), sản xuất, thương mại lương thực và gạo (chiếm 39%). Ngoài ra, các mảng khác khác là hạt giống cây trồng, bao bì... Đáng chú ý, LTG là doanh nghiệp dẫn đầu mảng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam với thị phần khoảng 20%.
6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt 5.893 tỷ đồng và 138 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và giảm 40% cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,4% xuống còn 15,7%; 2) doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng 57%YoY, nhưng doanh thu lương thực gạo giảm 17,5% YoY.
Hoạt động xuất khẩu gạo kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh hơn sau những diễn biến bất ngờ từ thế giới, đặc biệt là sự thiết hụt nguồn cung từ Ấn Độ do ảnh hưởng thời tiết khô hạn.
Việc chấm dứt phân phối sản phẩm Syngenta sẽ ảnh hưởng ngắn hạn đến mảng thuốc bảo vệ thực vật trong năm 2022 khi cơ cấu chiếm khoảng 30% doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, MASVN cho rằng đây chỉ là vấn đề ngắn hạn khi LTG sẽ tìm các dòng sản phẩm khác để phân phối. Ngoài ra, LTG cũng tăng cường phát triển và nghiên cứu với mục tiêu 30% thuốc bảo vệ thực vật của LTG sẽ là sinh học vào năm 2030.
Năm 2022, dự báo doanh thu và lãi ròng công ty mẹ đạt 10.815 tỷ và 203 tỷ đồng, tăng 5,8% và giảm 51,5%YoY. Năm 2023, dự báo doanh thu và lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 11.609 tỷ và 356 tỷ đồng, tăng 7,3% và 76,0% cùng kỳ: 1) biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 16,3% lên 17,5%; 2) mảng gạo đạt 5.632 tỷ đồng, tăng 5,2% cùng kỳ; 3) mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng trưởng 10%YoY.
EPS forward 2023 ước đạt 4.422 đ/cp, tương ứng P/E forward 2023 ở mức 7,0 lần, quanh vùng thấp nhất kể từ khi chào sàn năm 2017. MASVN đánh giá tích cực dành cho LTG nhờ: 1) mảng lương thực gạo kỳ vọng duy trì sức tăng trưởng nhờ sự thiếu hụt nguồn cung trên thế giới; 2) tiềm lực tài chính, sự ứng dụng kỹ thuật mạnh mẽ, phù hợp với bước phát triển tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận