Dòng tiền của Cảng Sài Gòn trong quý 3 có gì đáng chú ý?
Quý 3/2023, Cảng Sài Gòn lãi ròng gần 96 tỷ đồng, hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm, nguyên nhân chủ yếu do Công ty giảm 75 tỷ đồng chi phí dự phòng.
Lãi từ hoàn nhập dự phòng
CTCP Cảng Sài Gòn (UPCoM: SGP) không đề cập chi tiết khoản giảm chi phí dự phòng trong báo cáo tài chính quý 3. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là bút toán hoàn nhập các khoản nợ xấu đã từng được trích lập những kỳ trước đó.
Đến cuối quý 3, SGP ghi nhận hơn 116 tỷ đồng giá trị gốc nợ xấu, giảm 62% so với đầu kỳ. Trong đó, giá trị nợ gốc quá hạn dưới 1 năm 46 tỷ đồng, nợ quá hạn trên 1 năm 29 tỷ đồng, nợ quá hạn 2 – 3 năm hơn 3 tỷ đồng, nợ quá hạn trên 3 năm gần 39 tỷ đồng.
So với đầu năm, Công ty giảm trích lập dự phòng nợ xấu từ hơn 172 tỷ đồng còn gần 69 tỷ đồng. SGP đánh giá còn gần 48 tỷ đồng có thể thu hồi, giảm hơn một nửa so với đầu kỳ.
Nợ nhiều nhất là Công ty Liên doanh Dịch vụ Container Quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) với gần 67 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nợ xấu của SGP. Xếp sau là Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) nợ gần 28 tỷ đồng, chiếm 24%. SGP hiện đang sở hữu lần lượt 38.93% và 15% tại hai doanh nghiệp này.
Quý 3, lãi đột biến của SGP còn đến từ lãi từ tiền gửi, tiền cho vay 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 90 triệu đồng. SGP cho biết nguồn thu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng 2.4 tỷ đồng, lãi cho vay (tái cơ cấu SSIT) 8.6 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí nhân viên quản lý trong kỳ giảm một nửa, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, SGP ghi nhận 229 tỷ đồng lãi ròng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm mạnh 23%, còn 674 tỷ đồng. Kết quả này chỉ mới thực hiện gần 60% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Nguồn: VietstockFinance
Tại ngày 30/09, SGP ghi nhận hơn 5,400 tỷ đồng tổng tài sản và gần 2,700 tỷ đồng nợ phải trả, không có sự thay đổi đáng kể so với đầu năm. Dù vậy, tài sản ngắn hạn và các khoản vay nợ ngắn hạn lại giảm đáng kể lần lượt 29% và 87%, còn hơn 1,200 tỷ đồng và 28 tỷ đồng.
Nhất cử lưỡng tiện
Từ đầu năm, dòng tiền trên sổ sách chuyển dịch bắt đầu từ việc SGP rút hơn 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn và giảm 220 tỷ đồng các khoản phải thu khách hàng, trong đó bên liên quan CMIT giảm 33 tỷ đồng và SSIT giảm 220 tỷ đồng.
Dòng tiền sau đó “chảy vào” tiền và tương đương tiền 230 tỷ đồng. SGP dùng 207 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng. Trong đó, xóa khoản nợ 194 tỷ đồng vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) – chi nhánh Châu Thành Sài Gòn.
Phần lớn dòng tiền trên đi vào khoản SGP cho vay dài hạn. Đến cuối tháng 9, khoản phải thu dài hạn còn hơn 533 tỷ đồng. Trước đó, Công ty cho SSIT vay tín chấp 564 tỷ đồng nhằm tái cơ cấu SSIT theo hợp đồng vay cổ đông ngày 24/03/2023, lãi suất 6.3%/năm trong thời hạn 5 năm.
Có thể hiểu rằng, bằng việc cho SSIT vay nhằm tái cơ cấu khoản nợ, dòng tiền từ "túi" SGP đã đi một vòng sau đó quay trở lại vào "túi" SGP dưới bút toán giảm khoản phải thu của SSIT. Việc này vừa giúp SGP giảm bớt ghi nhận nợ xấu, vừa có được khoản cho vay dài hạn với lãi suất cố định 6.5%/năm, lợi cả đôi đường.
Nguồn: VietstockFinance
Tử Kính
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận