Doanh thu Viettel 6 tháng đầu năm hơn gấp đôi các nhà mạng khác cộng lại
Trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực viễn thông ghi nhận doanh thu của Viettel đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, cao hơn gấp đôi tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông khác ở Việt Nam cộng lại...
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngày 29/7, trong lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) duy trì tăng bền vững, duy trì vị trí số một với 56,2% thị phần thuê bao di động.
Cùng với đó triển khai chuyển đổi thuê bao 2G lên 4G, sẵn sàng cho việc tắt mạng 2G vào tháng 9/2024; Tham gia đấu giá thành công băng tần B1 (2500-2600) MHz; Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho khai trương 5G trong năm 2024.
Nhà mạng này cũng kinh doanh duy trì ổn định trong điều kiện chính trị xã hội bất ổn tại một số quốc gia như Haiti, Myanmar; tăng trưởng doanh thu cao (trên 19%). Tại Mozambique, Movitel đã vươn lên vị trí số 1, trong 7 thị trường (Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor, Burundi, Haiti, Mozambique).
Về kết quả kinh doanh, báo cáo cho biết Viettel đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, doanh thu hợp nhất đạt 89,9 nghìn tỷ đồng, khoảng 107,6% kế hoạch 6 tháng, tăng trưởng 9,8% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 28,6 nghìn tỷ đồng, khoảng 120,7% kế hoạch 6 tháng, tăng trưởng 13,3%. Nộp ngân sách 25,3 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 107% kế hoạch 6 tháng.
Với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tập trung xây dựng, mở rộng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin theo định hướng đột phá về hạ tầng, công nghệ.
Tập đoàn đã đấu giá thành công quyền sử dụng băng tần 3700-3800 MHz, làm cơ sở để phát triển hạ tầng mạng 5G trong thời gian tới theo hướng nâng cao trải nghiệm của người dùng, đem đến tốc độ cao, dung lượng lớn, độ trễ thấp nhất, đồng thời tối ưu chi phí đầu tư, gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia thông qua việc cung cấp giải pháp, sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương chuyển đổi số quốc gia trên diện rộng bao gồm các lĩnh vực chính quyền số, giáo dục số, y tế số, doanh nghiệp số, số cá nhân.
Theo đó, Tập đoàn đã triển khai các nền tảng số quốc gia như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo, Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trục liên thông văn bản quốc gia,.... Các giải pháp Chính quyền số của VNPT đã hiện diện tại 63/63 tỉnh, thành phố, đồng thời cung cấp các giải pháp đáp ứng các 31/44 mô hình điểm của Đề án 06 của Chính phủ.
Nghiên cứu phát triển và khai trương hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm dịch vụ phục vụ doanh nghiệp với các sản phẩm dịch vụ dẫn dắt chủ đạo giúp doanh nghiệp có hạ tầng số hiện đại, số hóa mọi giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước, giao dịch với đối tác/khách hàng trên môi trường số và chuyển đổi số hoạt động quản trị doanh nghiệp (VNPT SmartCA, VNPT eContract, VNPT onBusiness, E-Invoice, VNPT BHXH…).
Đến nay, VNPT đã cung cấp các giải pháp Y tế số cho gần 2.000 bệnh viện, hơn 6.600 cơ sở y tế, gần 14.000 nhà thuốc; 25 Sở y tế với gần 20 triệu hồ sơ sức khỏe; các giải pháp Giáo dục số cho trên 31.500 cơ sở giáo dục, với hơn 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh; đồng thời triển khai xây dựng xã hội số, công dân số thông qua việc cung cấp bộ các giải pháp cho Y tế, Giáo dục, An sinh xã hội, App công dân, VNPT Money,....
Triển khai các biện pháp để kích thích chuyển đổi 2G lên 3G/4G/5G theo chủ trương tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý 3,7 triệu thuê bao nghi ngờ tồn kênh…
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, ước tính doanh thu hợp nhất của VNPT đạt hơn 27,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 3,2 nghìn tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ ước đạt gần 20,64 nghìn tỷ đồng (tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2023), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,23 nghìn tỷ đồng (tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước).
Với Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trong 6 tháng đầu năm đã đẩy mạnh triển khai tái cấu trúc Tổng công ty theo đề án đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.
Đẩy mạnh phát triển đối tác chiến lược toàn diện, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực 5G, điện toán đám mây/trung tâm dữ liệu, nhóm đối tác có tiềm năng trở thành nhà đầu tư chiến lược cho quá trình cổ phần hóa của MobiFone.
Nhà mạng này cũng tích cực triển khai lộ trình tắt sóng 2G và dịch chuyển thuê bao sang mạng 3G/4G theo chỉ đạo của Bộ; phấn đấu hoàn thành tắt sóng 2G vào tháng 09/2025; tăng cường công tác chia sẻ hạ tầng mạng 4G/5G với đối tác để tăng nhanh vùng phủ mạng 4G/5G.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty mẹ ước thực hiện đạt 11.976 tỷ đồng, đạt 89,2% cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước thực hiện đạt 1.257 tỷ đồng, đạt 92,0% cùng kỳ năm 2023. Nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 1.242 tỷ đồng, đạt 103,4% cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh bức tranh kinh doanh 3 nhà mạng lớn, phụ lục báo cáo của bộ cũng đưa ra số liệu doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng của các doanh nghiệp viễn thông khác ở Việt Nam.
Theo đó, ước tính 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu Công ty CP Viễn thông FPT đạt 7.966 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 1.714 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Số tiền nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 ước tính khoảng 974 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom cũng ghi nhận tăng trưởng với doanh thu đạt 340 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 23,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Còn doanh thu của Công ty Cổ phần viễn thông Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2024 đạt 61,5 tỷ đồng với lợi nhuận 1,2 tỷ đồng và nộp Ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Dịch vụ di động Vietnamobile, trong 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận doanh thu gần 676,55 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận