Doanh thu tiếp tục "bay hơi", PSH chìm trong thua lỗ
Quý thứ 3 liên tiếp, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) bốc hơi khoảng 90% doanh thu so với cùng kỳ và tiếp tục lỗ nặng. Tổng lỗ lũy kế của “đại gia xăng dầu miền Tây” đã lên tới gần 300 tỷ đồng, trong khi đầu năm vẫn còn lãi hơn 257 tỷ đồng.
Kết quả quý 3/2024 của PSH
Nguồn: VietstockFinance
Kể từ sau án phạt và cưỡng chế thuế hơn 1.2 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2023, tình hình hoạt động của PSH cũng đi xuống trầm trọng, tới quý 3/2024 vẫn chưa thể thoát ra.
Cụ thể, quý 3, PSH chỉ thu về vỏn vẹn 94 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Doanh nghiệp lỗ gộp 14 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 108 tỷ đồng.
Kinh doanh đi xuống, các chi phí của PSH lại tăng mạnh. Trong đó, chi phí tài chính tăng vọt lên 102 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2.6 lần, lên 23 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ khác 22 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ 4 tỷ đồng), “đại gia xăng dầu miền Tây” lỗ ròng 172 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 13 tỷ đồng).
Tình cảnh này là câu chuyện quen thuộc của PSH trong những quý gần nhất. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Doanh nghiệp bốc hơi khoảng 90% doanh thu, và là quý thứ 4 liên tiếp lỗ ròng kể từ quý 4/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 619 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ; lỗ ròng 540 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 280 tỷ đồng). Doanh nghiệp lỗ lũy kế hơn 282 tỷ đồng sau khi kết thúc quý 3, đầu năm còn lãi 257 tỷ đồng.
Với 3 tháng nữa kết thúc năm, việc PSH hoàn thành mục tiêu lãi sau thuế 328 tỷ đồng như ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua gần như bất khả thi, xét trên việc quý lãi cao nhất của Doanh nghiệp chỉ gần 200 tỷ đồng (quý 2/2023).
Tại cuối tháng 9, tổng tài sản của PSH đạt gần 10.8 ngàn tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Trong đó, gần 6 ngàn tỷ đồng là tài sản ngắn hạn, đi lùi nhẹ. Tiền mặt nắm giữ chỉ còn khoảng 6 tỷ đồng, bằng 1/6 lần đầu năm, trong khi tiền gửi chỉ có 10 triệu đồng.
Phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm 13%, còn 936 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho lên tới 4.7 ngàn tỷ đồng, hầu hết là hàng hóa và thành phẩm, cho thấy Doanh nghiệp vẫn còn sản phẩm để kinh doanh nhưng gặp vướng mắc trong hoạt động khiến doanh thu giảm mạnh.
Bên nguồn vốn, tổng nợ phải trả là 9.7 ngàn tỷ đồng, với hơn 7.7 ngàn tỷ đồng nợ ngắn hạn, tăng 15% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn cho thấy Doanh nghiệp có rủi ro trong việc thanh toán nợ; gần 5.5 ngàn tỷ đồng trong đó là nợ vay, tăng 17% so với đầu năm, phần lớn là 2 khoản nợ của BIDV (3.6 ngàn tỷ) và Agribank (1.5 ngàn tỷ).
Đáng chú ý, trong quý 3, PSH đã công bố việc ký kết với đối tác chiến lược là quỹ Acuity Funding từ Úc, mục đích để thu xếp khoản vay có tổng hạn mức hơn 343 triệu USD, nằm trong gói tài trợ 720 triệu USD từ quỹ này. Khoản tài trợ được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 290 triệu USD dành trả nợ thuế, nợ trái phiếu và nợ ngân hàng.
Tuy nhiên, việc giải ngân từng được Chủ tịch Mai Văn Huy nhận xét là còn nhiều khó khăn. Ông Huy cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho lấy khoản vay từ nước ngoài để trả nợ trong nước, theo quy định từ Thông tư 08. Vậy nên, PSH dự kiến có khả năng đem tiền mặt về làm tiền gửi tại ngân hàng, để tạo ra hợp đồng 3 bên giao tài sản cho PSH thế chấp với đối tác nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận