Doanh nghiệp thép phục hồi nhưng khó bứt phá
Trong nửa cuối năm 2024, nhiều chuyên gia kỳ vọng ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa. Điều này đến từ việc tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản và đẩy nhanh tiến độ những dự án đầu tư công.
Giá thép tiếp tục giảm
Trong ngày 20/6, thị trường thép được nhiều đại lý thông báo giảm giá sau hơn 1 tháng ổn định. Hiện các mặt hàng thép cuộn, thép thanh vằn dao động từ 13 - 14 triệu đồng/tấn. Trong đó, thương hiệu chiếm 30% thị phần trong nước là Hòa Phát thông báo giảm 150.000 đồng/tấn cho dòng thép cuộn CB240 nay còn 13,99 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên.
Thép Việt Đức, VAS, trong đợt điều chỉnh này đều giảm giá cả 2 hai mặt hàng trên. Với thép cuộn giảm 150.000 đồng/tấn, lần lượt có mức giá 14,16 và 14 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 sau mức giảm còn lần lượt 14,54 - 14,1 triệu đồng/tấn.
Ông Hùng, chủ một đại lý thép tại quận Hà Đông cho biết, sức tiêu thụ thép trong tháng 5 đã chậm lại so với tháng trước do thời tiết tại Hà Nội thường xuyên có mưa lớn. Dự báo những tháng tới, lượng bán hàng có thể giảm sâu sau khi qua mùa cao điểm xây dựng.
"Lượng bán có thể tiếp tục giảm sâu từ đầu tháng 7 Âm lịch vì quan niệm tháng "cô hồn", người dân kiêng động thổ, sửa nhà cùng với đây cũng là thời gian mưa nhiều nhất trong năm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng" - ông Hùng cho hay.
Thị trường thép vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về mảng thép xây dựng. Tuy nhiên nhiều nhà sản xuất thép vẫn có những điểm sáng tại các lĩnh vực khác. Trong tháng 5/2024 vừa qua, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) có tổng tiêu thụ toàn hệ thống đạt 351.700 tấn, tăng nhẹ 1% so với tháng trước và tăng mạnh 59% so với cùng kỳ.
Tiêu thụ thép xây dựng vẫn nằm trong khó khăn chung của thị trường, giảm 0,51% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ thép cán nguội và tôn mạ đều gấp đôi so với cùng kỳ; so với tháng trước, thép cán nguội tăng 12% và tôn mạ giảm 7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ. Mức tăng này có sự đóng góp rất lớn từ các đơn vị thép dẹt, trong đó thép cán nguội tăng 85% và tôn mạ tăng 105% so với cùng kỳ.
Còn với Hòa Phát, xác định cơ cấu sản phẩm trong tương lai sẽ hướng mạnh vào sản xuất thép cán nóng (HRC) chất lượng cao phục vụ nhu cầu các ngành cơ khí chế tạo. Ngày 6/6 vừa qua đã chính thức cán mốc 10 triệu tấn thép HRC.
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn ngành vật liệu xây dựng vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nhận định, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các DN thép còn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo một thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.
Trước sức ép của thép nhập khẩu, ngày 14/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá.
Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng DN để kịp thời có biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kĩ thuật.
Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các DN đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Với động thái này, các chuyên gia đánh giá, nhóm thép được kỳ vọng hưởng lợi tích cực trong thời gian tới. Theo Công ty CP Chứng khoán Agriseco, các DN thép đầu ngành đều đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh trên nền thấp 2023. Tuy nhiên, chưa thể bứt phá do thị trường bất động sản trong nước chưa phục hồi mạnh.
Nhu cầu nội địa tăng nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và xây dựng dân dụng ấm dần trong năm 2024, khi dự toán chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi NSNN, khoảng hơn 677 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023) chưa kể số dư từ năm 2023 chuyển sang. Đây là mức cao trong các năm trở lại đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận