Doanh nghiệp mía đường còn đối mặt nhiều thách thức
Sau nhiều vụ mía đường liên tục rớt giá, các nhà máy đường thua lỗ nặng nề, việc Bộ Công thương quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan, bước đầu đã mang lại “vị ngọt” cho ngành mía đường trong nước. Tuy nhiên, để giữ vững “vị ngọt” cho những mùa mía tiếp theo, các doanh nghiệp vẫn còn những nút thắt cần gỡ bỏ...
Diện tích vùng nguyên liệu mía thiếu hụt trầm trọng
Ngành mía đường đã trải qua nhiều năm thua lỗ sâu do không có sức cạnh tranh với đường các nước, đặc biệt là từ Thái Lan. Đường phá giá từ Thái Lan đã bằng nhiều cách thâm nhập vào thị trường trong nước, dìm giá đường nội địa xuống dưới giá thành sản xuất .
Tại báo cáo “Triển vọng ‘ngọt’ cho ngành mía đường” công bố tháng 11/2021, SSI Research cho biết trong niên vụ 2020-2021, sản lượng sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 ngàn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước và đạt 50% công suất sản xuất.
Thực tế rằng thị trường mía đường trong nhiều năm liền ghi nhận sự ảm đạm, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, đồng nghĩa với vùng nguyên liệu tại đó tan vỡ, hàng ngàn nông dân bấp bênh do mất sinh kế từ cây mía.
Theo SSI, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường trong những năm tới, do mức thuế nhập khẩu đường thô cao không khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước nhập khẩu đường thô để tinh luyện.
Khi diện tích vùng mía nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp, ngành sản xuất mía đường dường như gặp muôn vàn khó khăn.
Tại báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổng hợp từ số liệu của các địa phương có nhà máy đường năm 2021 cho biết, tổng diện tích trồng mía niên vụ 2019-2020 đạt gần 183 ngàn ha, giảm hơn 18% so với niên vụ 2018-2019.
Đến niên vụ 2020-2021, dù đã có nhiều biến chuyển tích cực từ thị trường, diện tích vùng nguyên liệu mía cũng chỉ còn hơn 127 ngàn ha. Trong đó, 40 ngàn ha quy mô lớn, 60 ngàn ha quy mô nhỏ lẻ và hơn 27 ngàn ha đứng trước nguy cơ chuyển chuyển đổi sang các cây trồng khác.
Tổng diện tích trồng mía qua các niên độ
Trong niên vụ 2021-2022, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) dự kiến diện tích trồng mía sẽ tăng khoảng 10-20% so với cùng kỳ và việc mở rộng có thể tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo.
Giá đường đi xuống
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước nỗi lo giảm lợi nhuận do giá đường đi xuống. Báo cáo phân tích ngành đường cuối tháng 7/2022 của VCBS cho biết, giá đường trong nước đã giảm 8-10% so với mức đỉnh vào quý 3/2021 và hiện tại giảm nhẹ 3% so với bình quân quý 2/2022.
Theo VSSA, giá bán đường của các nhà máy đường vẫn ở mức thấp, gây khó khăn cân đối giá thành sản xuất. Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7 giá đường bán ra của các nhà máy dao động trên dưới 18,000 - 18,400 đồng/kg đối với đường tinh luyện; 17,200-17,400 đồng/kg đối với đường vàng.
Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và sự hiện diện của khối lượng lớn đường nhập lậu và đường, chất ngọt nhập khẩu chính ngạch trên thị trường khiến cho đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.
Trong hoàn cảnh đó, VSSA cho biết các nhà máy dù có nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp, nhưng cũng không đẩy sản lượng tiêu thụ được.
Ngoài ra, nguồn cung dồi dào từ nhập khẩu chính ngạch và nhập lậu tràn vào, khiến cho doanh nghiệp vẫn khó bán sản phẩm dù bán dưới giá thành.
Doanh nghiệp đường niêm yết đánh giá thế nào về niên độ tới?
Trong niên độ 2022-2023, CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) lên kế hoạch thu về hơn 405 tỷ đồng tổng doanh thu, cao gấp 2.3 lần so với niên độ 2021-2022. Ngược lại, Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 6.5 tỷ đồng, giảm 38%.
Về những khó khăn trong vụ thu hoạch niên độ mới, KTS cho biết diện tích trồng mới, trồng lại dự kiến đưa vào thu hoạch vụ 2022-2023 của Công ty vẫn còn thấp bởi các nguyên nhân như giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 nên việc đi lại vận động bà con nông dân trồng mía bị hạn chế và khó khăn.
Bên cạnh đó, tuy giá mía vụ 2021-2022 tăng so với vụ trước nhưng giá một số loại cây trồng khác, đặc biệt là cây mì tăng mạnh, thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích của cây mì cao hơn cây mía. Vì vậy rất nhiều hộ dân đã ký hợp đồng trồng mía với Công ty nhưng do giá mì cao nên đã hủy hợp đồng.
Đồng thời, một số diện tích mía do hết chu kỳ phải phá gốc để trồng lại nhưng vì thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, không nước để tưới , đất không đủ độ ẩm nên không thể trồng lại mà phải chờ vụ sau.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. ngay tại địa bàn vùng nguyên liệu của Công ty, chính quyền TP. Kon Tum đã có kế hoạch triển khai nhiều dự án bất động sản vì vậy diện tích mía càng bị thu hẹp.
Đánh giá chung toàn ngành trong niên độ 2022-2023, CTCP Mía Đường Sơn La (HNX: SLS), dự báo ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn do nạn buôn lậu, gian lận thương mại vẫn chưa được kiểm soát triệt để, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác…
Trong bối cảnh đó, SLS đặt kế hoạch doanh thu niên độ 2022-2023 tăng hơn 25% so với niên độ 2021-2022, tương đương hơn 1,110 tỷ đồng; song đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ hơn 75 tỷ đồng, giảm 60%.
Về phía CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) - doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là sữa đậu nành, mảng đường chỉ chiếm 20% doanh thu thuần, đã lên kế hoạch phát triển mảng kinh doanh đường trong niên độ mới như sau:
Công ty sẽ tăng cường công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh các dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18 ngàn tấn mía/ngày, dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1 ngàn tấn đường/ngày nhằm đem lại hiệu quả cho công ty.
Ngoài ra, QNS sẽ đầu tư vùng nguyên liệu mía theo hướng đầu tư trực tiếp cho người trồng mía và đầu tư qua giá mua mía để phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu mía.
Đồng thời, sẽ tiếp tục mở rộng kênh bán buôn và phát triển kênh bán lẻ đường túi với các sản phẩm đường kính trắng, đường tinh luyện và đường vàng mang thương hiệu của Công ty.
Với những định hướng phát triển kinh doanh trong năm 2022 cùng nhu cầu đầu tư mạnh cho công tác thị trường và vùng nguyên liệu, QNS đặt kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu đạt 8 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Song đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 17%, ước đạt 1.2 ngàn tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận