Doanh nghiệp gạo thận trọng với kế hoạch kinh doanh
Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như chủ nghĩa bảo hộ lương thực, lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu ở mức cao.
Khả năng cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới hiện chưa được đánh giá cao và việc chen chân vào thị trường gạo cao cấp cũng chưa thuận lợi. Mặt khác, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn như chủ nghĩa bảo hộ lương thực, lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu ở mức cao, theo Tinnhanhchungkhoan
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã chứng khoán AGM) đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2022 so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Cụ thể, mục tiêu doanh thu giảm 51%, từ 8.004 tỷ đồng xuống 3.939 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 64%, từ 70 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng (năm 2021 đạt gần 45 tỷ đồng).
Angimex cho biết, xuất khẩu gạo tại thị trường châu Á nói chung có tỷ suất lợi nhuận thấp, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt, chi phí logistics tăng mạnh. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Công ty sẽ tập trung vào nhóm khách hàng chất lượng cao để xuất khẩu và chú trọng mảng doanh nghiệp gạo nội địa để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, ổn định số lượng tiêu thụ.
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) cũng có động thái điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận. Ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 27/6, Trung An giảm mục tiêu lợi nhuận sau thuế từ 600 tỷ đồng xuống 110 tỷ đồng, tương đương giảm gần 82% so với kế hoạch đưa ra hồi đầu năm.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Trung An chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu gạo của Công ty nói riêng và cả Việt Nam nói chung là khả quan. Trung An có chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thiếu gạo như châu Phi. Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá gạo của Việt Nam tăng rất chậm, trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh.
“Từ năm ngoái đến nay, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng dầu tăng rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các giải pháp như hạn chế xuất khẩu phân bón, kêu gọi nông dân tăng cường sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để thay thế, còn việc giá xăng dầu tăng cao thì phải chấp nhận”, ông Bình nói và cho hay, Trung An đang đi theo hướng phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời, mã chứng khoán LTG), doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2022 đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4% so với năm 2021. Đây cũng là con số lợi nhuận kế hoạch đến năm 2024 của Lộc Trời, nhưng đó là mức tối thiểu.
Tổng giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của Công ty không đi lùi, mà dựa trên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu tố không đoán trước được. Ngoài ra, doanh thu của Lộc Trời phụ thuộc vào các yếu tố khác như giá lúa gạo trên thị trường thế giới và sự cạnh tranh của các đối thủ. Hiện tại, doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác quốc tế để tăng hiệu quả chế biến lúa gạo và nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận