Doanh nghiệp của nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam muốn huy động gần 4.700 tỷ đồng
Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) do nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo làm Tổng giám đốc đã công bố kế hoạch huy động gần 4.700 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Theo đó, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 hồi tháng 5 vừa qua.
Cụ thể, Vietjet dự định phát hành riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu VJC, tương đương với 6,43% tổng số cổ phần đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến là 135.000 đồng/cổ phiếu cao hơn đáng kể so với mức giá 117.500 đồng kết thúc phiên giao dịch ngày 12/9.
Nếu phát hành thành công như kế hoạch, VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ thu về số tiền 4.698 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của VJC cũng sẽ tăng từ mức 5.416 tỷ đồng hiện nay lên 5.764 tỷ đồng.
Theo công bố, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu nhằm “nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và năng lực cạnh tranh".
Cụ thể, VJC có kế hoạch sử dụng 1.136 tỷ đồng để đầu tư, thuê, mua tàu bay; dùng 1.242 tỷ đồng để đầu tư thuê, mua động cơ, trang thiết bị sửa chữa tàu bay và 2.320 tỷ đồng dùng bổ sung nguồn thanh khoản và vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Vietjet.
Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số lượng dưới 100 nhà đầu tư. Vietjet ưu tiên lựa chọn các tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước, hoặc các tổ chức có hoạt động kinh doanh về công nghệ, logistics, dịch vụ, hàng không, công nghệ tài chính và/hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho Vietjet.
Cổ phiếu được chào bán thành công trong đợt này sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2022 và 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Vietjet hiện nay là 16,82%, trong khi tỷ lệ tối đa là 34%. Để đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật, Vietjet sẽ tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 30% cho đến thời điểm hoàn tất đợt phát hành.
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, Vietjet khai thác hơn 76.500 chuyến bay, đứng thứ 2 toàn ngành. So với cùng kỳ năm ngoái, số chuyến bay của Vietjet tăng trưởng 120%.
Theo Báo cáo tài chính bán niên 2022 sau kiểm toán, VJC ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 15.934,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỉ đồng, lần lượt tăng 111% và 19% so với cùng kỳ 2021.
Tính đến ngày 30/6/2022, Vietjet có tổng tài sản là 62.669 tỉ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chỉ ở mức 1,09 lần, chỉ số thanh khoản hiện hành đạt 1,49 nằm trong nhóm có chỉ số tốt trong ngành hàng không thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận