24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp bia rượu lo 'ảnh hưởng tiêu cực' nếu tăng thuế lên 100%

Doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia lên 100% tới 2030 sẽ khiến các hãng gặp khó trong bối cảnh kinh doanh giảm sút.

Tại dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình tăng thuế này với các sản phẩm rượu, bia giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, bia các loại chịu thế 80% từ 2026 và 100% vào 2030. Mức thuế với rượu 50-100% (tùy nồng độ dưới hay trên 20 độ). Với lộ trình này, giá bán các mặt hàng này sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm 2-3% ở các năm tiếp theo.

Tại hội thảo lấy ý kiến do Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/7, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam cho rằng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành bia sẽ chịu tác động "rất tiêu cực" nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở giai đoạn này.

Ông cho hay, năm ngoái hãng bia này chứng kiến sự sụt giảm doanh số ở mức hai con số, lần đầu sau nhiều thập kỷ. Hãng cũng mới đóng cửa nhà máy tại Quảng Nam, nhằm tối ưu hoạt động. "Việc tăng thuế cần được xem xét cách cẩn trọng, toàn diện", ông Phúc nói, thêm rằng chính sách cần đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, ổn định kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân.

Doanh nghiệp bia rượu lo 'ảnh hưởng tiêu cực' nếu tăng thuế lên 100%

Ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc đối ngoại Heineken Việt Nam phát biểu tại tọa đàm ngày 11/7. Ảnh: VCCI

Đại diện Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nói họ ủng hộ chính sách thuế để tăng thu ngân sách, hạn chế tác hại của đồ uống có cồn. Song, hãng này thừa nhận việc tăng thuế sẽ tác động tới cung cầu, sản lượng tiêu thụ. Do đó, họ mong muốn nhà chức trách có "đề xuất phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp".

Bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Ngoài Heineken Việt Nam, Sabeco tăng trưởng âm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ năm 2021. Hãng hiện có 26 nhà máy ở 20 tỉnh thành, hầu hết nhà máy trong hệ thống gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng 20-40%, trong khi giá bán không tăng. Còn với Habeco, năm ngoái lượng bán của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

Trong ngành rượu, Halico ghi nhận lỗ liên tiếp 27 quý. Doanh nghiệp này lỗ lũy kế gần 458 tỷ đồng.

Nói với VnExpress, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng lộ trình tăng thuế như trên sẽ khó có doanh nghiệp rượu, bia nào trụ vững. Theo bà, đây là áp lực lớn với doanh nghiệp ngành bia, rượu, kể cả đơn vị đầu ngành. Chưa kể, việc thay đổi chính sách cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

"Khi nhà đầu tư vào Việt Nam, họ phải lường được quy định, do đó, chính sách phải ổn định. Việc điều chỉnh thuế cần có thời gian đủ dài, linh hoạt để doanh nghiệp có thể dự liệu, chuyển đổi", bà nói.

Theo Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát (VBA), thuế tăng cao sẽ làm giảm cạnh tranh của sản phẩm trong nước, khiến nhập lậu gia tăng. Hiện mỗi năm có khoảng 200-300 triệu lít bia nhái thương hiệu. Cùng với đó, thuế tăng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của doanh nghiệp, dẫn đến nộp ngân sách giảm, kéo theo chuỗi cung ứng logistics, du lịch dịch vụ, nông nghiệp... bị ảnh hưởng.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch VBA cho rằng cơ quan soạn thảo chưa đánh giá hết tác động, cơ sở đưa ra đề xuất. "WHO khuyến nghị chung cho tất cả các nước với bối cảnh khác nhau, do đó, khi nghiên cứu nên đặt bối cảnh thực tế của Việt Nam", bà Vân Anh nói. Từ đó, VBA tiếp tục đề nghị nhà chức trách giãn tiến độ, giảm mức tăng thuế suất với rượu bia để tránh gây sốc cho doanh nghiệp.

Cụ thể hơn, đại diện Heineken kiến nghị giữ ổn định thuế suất với bia ở mức 65% trong 3 năm đầu tiên từ ngày Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực. Sau đó, mức thuế suất tăng 3 năm một lần, tối đa 3-5% mỗi lần điều chỉnh. Họ cũng kiến nghị áp thuế theo các nồng độ cồn để đảm bảo công bằng. Chẳng hạn, bia nồng độ cồn dưới 5,5% chịu thuế 65%; nồng độ 5,5-15% thuế suất 70% và trên 15% thuế 75%.

Doanh nghiệp bia rượu lo 'ảnh hưởng tiêu cực' nếu tăng thuế lên 100%

Thực tế, giai đoạn 2010-2015 thuế tiêu thụ đặc biệt với bia duy trì ở mức 45-50%, sau đó tăng theo lộ trình từ 2016. Hiện mức áp với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo Bộ Tài chính, thuế suất điều chỉnh nhưng sức mua mặt hàng này vẫn tăng, do thu nhập của người dân tăng nhanh hơn. Họ đánh giá thuế và giá mặt hàng này còn ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước là 40-85%.

"Lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vừa qua chưa đủ mạnh để giảm tiêu dùng", Bộ Tài chính cho hay, khẳng định cần tiếp tục tăng thuế lên ít nhất 40% giá bán lẻ.

Bên cạnh đó, sử dụng rượu, bia vẫn ở mức cao, có xu hướng tăng. Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng dẫn số liệu từ cơ quan nhà nước cho biết tiêu thụ đồ uống có cồn đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua. Năm ngoái, Việt Nam sản xuất, tiêu thụ trên 4,5 tỷ lít bia. Tỷ lệ lạm dụng rượu bia trên tổng dân số cũng tăng gấp 10 lần sau 6 năm, từ 1,4% vào năm 2010 lên 14,4% vào 2016. Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt liên tục tăng từ năm 2008 đến 2018.

"Điều này cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt không có tác động đáng kể tới thay đổi hành vi người dùng", ông Phụng nói. Song, theo chuyên gia này, để giảm tiêu dùng, biện pháp hành chính tốt hơn thuế. Chẳng hạn, Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đã tác động lớn tới hành vi tiêu dùng bia, rượu thời gian qua mà không cần tăng thuế.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá sắc thuế này với bia rượu của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nước. Ông Thịnh nhìn nhận chính sách tăng thuế với rượu, bia là bài toán lâu dài để đảm bảo lượng tiêu thụ ở mức thấp. "Doanh nghiệp sản xuất nên tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu của xã hội và vì lợi ích lâu dài của thế hệ mai sau", ông Thịnh nêu quan điểm.

Một số chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu hàng đầu của tăng thuế với rượu, bia là sức khỏe người dân, an toàn xã hội, sự phát triển người Việt trong tương lai. "Nhà nước cần đánh thuế cao để tạo khoảng cách về giá, giúp họ tăng nhận thức, sử dụng ít hơn", một chuyên gia nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả