Định giá không còn rẻ, lọc cổ phiếu theo tiêu chí nào để "xuống tiền"?
Năm 2022 còn dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên không phải ngành nào cũng hưởng lợi. Cơ hội cũng không còn dồi dào như trước khi từng nhóm cổ phiếu có sự phân hóa.
Tỏ ra thận trọng khi đánh giá chiến lược đầu tư trong năm 2022, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích SHS cho rằng sự thận trọng đến do mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021.
Theo ông Ngô Thế Hiển, nhà đầu tư có thể đầu tư ở một số nhóm ngành như: Nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng; các nhóm hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng, theo ông Hiển với các doanh nghiệp có đầu ra ổn định, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, như ngành dệt may, thủy sản, có thể tận dụng gói hỗ trợ lãi suất; một số nhóm khác có thể kể đến là logistics, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp, hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu COVID-19 như bán lẻ và nhóm hưởng lợi mang tính chất gián tiếp là bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở, sau đó là ngân hàng.
Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận nghiên cứu vĩ mô CTCK MB (MBS) cho rằng, các mã nhóm ngành dẫn dắt trong năm 2022, đầu tiên là ngành chứng khoán, nhìn vào lượng tài khoản mới, 2 tháng đầu năm tăng trưởng giao dịch trên 20%. Những công ty chứng khoán tiếp tục lộ trình tăng vốn, có thể nhìn thấy cơ hội tiềm năng đáp ứng vốn cho hoạt động đầu tư.
Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, kết quả kinh doanh các công ty chứng khoán năm nay rất khả quan, vấn đề là mua với giá nào. Ngoài ra ngành bất động sản, nhìn theo chu kỳ kinh tế, sau khi kinh tế phục hồi thì bất động sản bao giờ cũng đi theo sau. Do đó, giá bất động sản năm 2021-2022 dự kiến tiếp tục gia tăng, đặc biệt là bất động sản nhà ở. Cuối cùng là ngân hàng, ngành này có các yếu tố mang tính thuận lợi nhờ gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng. Mức độ tăng trưởng tín dụng khả quan, nhất là những ngân hàng tầm trung có thể đạt trên 20%.
Tuy nhiên, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ phân hóa bởi mức độ nợ xấu năm 2021 là 8%. Do đó, những ngân hàng có trích lập dự phòng tốt trong năm 2021 là nhóm yếu tố khả quan. Hơn nữa, hệ số NIM của hệ thống ngân hàng năm 2021 tăng do lãi suất huy động giảm tạo đáy. Do đó, năm nay ngân hàng phân hóa cao, tức là cổ phiếu ngành ngân hàng khá khả quan nhưng mang tính chọn lọc rất nhiều.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, TTCK có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 với quan điểm rất tích cực đối với triển vọng năm 2022 nhờ vào nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục). Tăng trưởng lợi nhuận chính là động lực cơ bản trọng yếu.
Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021. Thứ hai là đến từ yếu tố thanh khoản, tâm lý nhất đầu tư. Mặt bằng thanh khoản hiện nay còn thấp so với lịch sử, thanh khoản sẽ còn duy trì cao trong năm 2022. So sánh với thanh khoản các nước trong khu vực, Việt Nam hiện chỉ thua Thái Lan (4 tỷ USD), còn Việt Nam hiện nay là khoảng 2 tỷ USD, vượt Indonesia và Philippine, Thái Lan.
Tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với thị trường chứng khoán do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022. "Chúng tôi thực sự rất ấn tượng với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong nước, trái ngược hoàn toàn với sự kiện các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Trong năm 2022, đặt kỳ vọng thị trường chứng khoán còn dư địa, chúng ta đang liên tưởng giống sự kiện trong quá khứ, 2018-2019, ảnh hưởng từ lãi suất của Fed, tác động ngắn hạn tới thị trường, thị trường tiếp tục đi lên", ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông, cơ hội không còn dồi dào như 2021-2022, từng nhóm cổ phiếu có sự phân hoá. 2 tiêu chí có thể đáp ứng khi lựa chọn một cổ phiếu: đầu tiên là định giá rẻ, thứ hai là tiếp tục duy trì tăng trưởng 2022. Với nhà đầu tư nước ngoài, tổng bán ròng 2 tháng/2022 đạt hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Về cơ bản, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại giảm, các quỹ trong tâm thế thận trọng về thị trường Việt Nam nhưng hoạt động quay trở lại có dấu hiệu tăng lên, nhà đầu tư ngoại đang dần tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường Việt Nam. Dù chưa hành động ngay trong mua vào, đặc biệt trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, đây là cơ hội thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại của doanh nghiệp trong nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận