Digiworld không còn độc quyền Xiaomi - nguyên nhân và kết quả?
Ngày 19/1 vừa qua, Synnex FPT công bố hợp đồng phân phối với Xiaomi. Đáng nói, trước đó Digiworld đang là nhà phân phối độc quyền thương hiệu này. Chúng ta cùng phân tích nguyên nhân và kết quả.
1. Ông ăn chả thì bà ăn nem?
Xiaomi không ngừng phát triển, cả về thị phần và chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, Digiworld cũng ngày càng mở rộng ngành hàng sản phẩm mới. Digiworld đã trở thành một trong 4 nhà phân phối sản phẩm Apple tại thị trường Việt Nam. Apple cũng là đối thủ chính của Xiaomi trong cuộc chiến thị phần điện thoại di động tại Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Xiaomi ra mắt nhiều sản phẩm trong phân khúc cao cấp, cạnh tranh trực tiếp với Apple tại Việt Nam.
Vậy thì Digiworld phân phối cả tôi và đối thủ của tôi, tại sao tôi không trao thêm cơ hội cho đối thủ của Digiworld? (Lưu ý: đây chỉ là giả định của người viết bài).
2. Digiworld đã làm tốt công việc phân phối cho Xiaomi chưa?
Có thể nói, nếu nhìn vào con số tăng trưởng doanh thu và thị phần điện thoại Xiaomi, nhiều người sẽ thấy sự phát triển hàng quý, hàng năm. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, anh chạy, thì đối thủ cũng không đi bộ. Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, online hóa các công việc, học tập đã tạo cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hỗ trợ như máy tính, điện thoại thông minh... Các nhà phân phối khác trên thị trường cũng có sự phát triển tăng trưởng vượt bậc như Công ty CP dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD), Synnex FPT...
Digiworld đang làm tương đối tốt việc phân phối điện thoại Xiaomi. Nhưng Xiaomi không chỉ có điện thoại. Xiaomi còn có các sản phẩm khác như nhà thông minh, các thiết bị gia dụng thông minh (như TV, robot hút bụi, máy giặt...). Các sản phẩm này gần như chưa có chỗ đứng chính thống trong gia đình người Việt (chính thống tức là hàng phân phối chính hãng bởi Digiworld).
3. Tác động gì tới kết quả kinh doanh của Digiworld?
Theo con số Digiworld công bố trên báo chí, thì doanh thu Xiaomi năm 2021 khoảng 7200 tỷ, chiếm khoảng 34% tổng doanh thu. Trong khi việc có thêm nhà phân phối Synnex FPT thì 2 bên cùng đưa sản phẩm tới khách hàng, chứ Digiworld không bị cắt phân phối. Họ vẫn đồng hành với Xiaomi trong việc phát triển thị trường, dịch vụ bảo hành, cửa hàng ủy quyền.
Theo đánh giá cá nhân của người viết, việc này có thể chỉ ảnh hưởng nhẹ tới doanh thu mảng Xiaomi của Digiworld, do:
- Digiworld vẫn phục vụ sản phẩm Xiaomi tới các nhà bán lẻ như trước đây.
- Tỷ trọng sản phẩm của Xiaomi không còn lớn như trước đây. Cộng với việc doanh thu các sản phẩm laptop/điện thoại của Digiworld tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, sẽ làm giảm mức độ ảnh hưởng này.
- Digiworld có mất chăng là các khách hàng thuộc hệ sinh thái của FPT như Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) (theo chúng tôi, khách hàng này chiếm khoảng 13-15% doanh thu của Digiworld và có xu hướng giảm dần tỷ trọng).
- Khi 2 bên cùng làm, sản phẩm Xiaomi sẽ phủ sóng thương hiệu rộng hơn, có thể giúp bán hàng dễ hơn nữa.
- Khi phân phối sản phẩm Apple, Digiworld cùng phân phối với 3 nhà phân phối khác, trong đó có Synnex FPT, và Digiworld vẫn có thị trường của mình không hề lép vế.
- Digiworld đủ sức khỏa lấp và phát triển nhờ xu thế tiếp tục online hóa trong công việc và học tập, xu thế chuyển dịch sang sử dụng điện thoại 5G và một phần từ việc phân phối thêm nhãn hàng mới.
Chúng ta cùng chờ xem kết quả kinh doanh trong năm 2022. Với sự tăng trưởng và xu thế trong 2021, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh của Digiworld năm 2022 có thể đạt khoảng 28.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế trên 1000 tỷ (tương ứng với EPS hơn 11.000 đồng theo lượng cổ phiếu lưu hành đầu 2022).
Những chia sẻ trên đây dựa trên quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của người viết, chỉ mang tính tham khảo. Nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm cá nhân với các quyết định của mình. Ý kiến góp ý với người viết xin được gửi về email: dautu2020@outlook.com
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường