24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

DIC Corp dính nhiều sai phạm, vay nợ hàng nghìn tỷ từ trái phiếu

Từ đầu năm đến nay, DIC Corp đã vay nợ khoảng 3.500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để bổ sung vốn hoạt động và đầu tư các dự án bất động sản.

Vay nợ hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu

Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã CK: DIG) vừa công bố phát hành thành công lô trái phiếu doanh nghiệp đợt 3 với tổng giá trị huy động là 1.500 tỷ đồng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán HDB đã thu xếp cho DIC Corp phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu, trả lãi 6 tháng một lần và lãi suất 11% vào ngày 26/11/2021, kỳ hạn 36 tháng và trái chủ là một tổ chức tín dụng trong nước.

Các trái phiếu được đảm bảo bằng toàn bộ quyền và tài sản hiện hữu, phát sinh trong tương lai tại dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai); Cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát sinh từ số lượng cổ phiếu thế chấp tại HDBank và một số tài sản khác.

Trước đó, hồi tháng 10/2021, DIC Corp cũng đã công bố huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong đợt chào bán thứ 2. Lãi suất phát hành thực tế là 11%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần.

Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu này là cổ phiếu DIG và toàn bộ lợi tức, cổ tức phát sinh từ số lượng cổ phiếu thế chấp tại HDBank cùng toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền lợi hiện hữu, phát sinh từ việc đầu tư, phát triển, khai thác, tiêu thụ sản phẩm tại dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (tỉnh Đồng Nai).

Lô trái phiếu đợt 2 này được phát hành chỉ sau lô 1.000 tỷ đồng đợt 1 nửa tháng (ngày 16/9) với cùng giá trị, cùng lãi suất và cùng kỳ hạn 36 tháng. Cả hai lô đều được mua ngay vào ngày phát hành bởi HDBank.

DIC Corp dính nhiều sai phạm, vay nợ hàng nghìn tỷ từ trái phiếu
Thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp đợt 3 của DIC Corp

Trước đó, DIC Corp công bố kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu để bổ sung vốn hoạt động 1.000 tỷ đồng và đầu tư thêm 2.500 tỷ đồng cho Khu đô thị du lịch Long Tân (thuộc xã Long Tân và xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Bên cạnh kênh trái phiếu, DIC Corp cũng triển khai phương án chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu, giá 20.000 đồng/đơn vị. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán 1.500 tỷ đồng sẽ dùng đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Ngoài ra, cổ đông DIC Corp cũng đã duyệt hạn mức vay vốn cho hoạt động đầu tư năm 2021 là 3.865 tỷ đồng, riêng đầu tư Khu đô thị mới Bắc Vũng Bên Tàu 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty dự kiến chỉ vay 1.894 tỷ đồng, gồm 1.128 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và nộp một phần tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.

Theo kế hoạch được thông qua từ kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, nhu cầu vốn đầu tư năm 2021 của DIC Corp lên đến 9.436 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu là 2.191 tỷ đồng và Khu đô thị du lịch Long Tân là 1.695 tỷ đồng.

Có thể thấy, DIC Corp đang dồn tiền cho hai dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu và Khu đô thị du lịch Long Tân. Đáng nói, cả hai dự án đều được phê duyệt đầu tư từ năm 2017 với mức vốn hơn 4.000 tỷ đồng nhưng bị kéo dài khiến chi phí đầu tư đội lên cao.

Trong đó, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu có diện tích 90,5ha tại phường 12, TP Vũng Tàu, tổng mức đầu tư xây dựng sau thuế 4.029 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giá đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh, DIC Corp đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 11.300 tỷ đồng, vốn tự thu xếp 6.217 tỷ đồng và vốn vay tín dụng thương mại 4.755 tỷ đồng.

Tương tự, dư án Khu đô thị du lịch Long Tân tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích 331,9ha. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.752 tỷ đồng nhưng sau đó được nâng lên 12.618 tỷ đồng, thời gian hoàn thành xây dựng dự kiến quý IV/2026.

Doanh nghiệp tai tiếng trong lĩnh vực bất động sản

Theo tìm hiểu của phóng viên, DIC Corp có địa chỉ tại số 265 Lê Hồng Phong, phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

DIC Corp được biết đến là “ông lớn” trong giới bất động sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung. Doanh nghiệp này từng được vinh danh nhiều giải thưởng như: Top 20 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2020, Top 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2020, Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam...

Nổi tiếng nhưng cũng lắm “tai tiếng”, thời gian qua, DIC Corp đã liên tiếp bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

DIC Corp dính nhiều sai phạm, vay nợ hàng nghìn tỷ từ trái phiếu
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp trong một lần đối thoại với khách hàng về lùm xùm dự án tại Vũng Tàu (Ảnh: Báo BRVT)

Trong tháng 7/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hai lần ra quyết định xử phạt DIC Corp do đã thực hiện hành vi vi phạm xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

Trước đó, một số dự án bất động sản của DIC Corp cũng từng bị phanh phui vi phạm và xử phạt. Cụ thể, tháng 8/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ra quyết định xử phạt DIC Corp số tiền lên tới 975 triệu đồng do tổ chức thi công xây dựng công trình Khu phức hợp Cap Saint Jacques tại số 169 Lê Hồng Phong, Phường 8, TP Vũng Tàu mà không có giấy phép xây dựng.

Về kết quả kinh doanh, 9 tháng năm 2021, DIC Corp ghi nhận doanh thu thuần 1.654 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế lại tăng 7% đạt 183,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi trước thuế 1.444 tỷ đồng trong năm 2021, công ty mới chỉ mới thực hiện được gần 13% mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, dòng tiền kinh doanh của DIC Corp đã âm nặng trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017 dòng tiền kinh doanh âm 263 tỷ đồng thì sang năm 2018 lại dương 430 tỷ đồng. Dù vậy năm 2019, dòng tiền lại âm 245 tỷ đồng, sang năm 2020 tiếp tục âm 504 tỷ đồng và 9 tháng năm nay tiếp tục âm 263,5 tỷ đồng.

Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Trong đó, doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, với những doanh nghiệp đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả… thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.

Tuy nhiên, về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau, kèm với đó là kết quả kinh doanh bết bát.

Theo phân tích, việc dòng tiền âm nhiều năm của các doanh nghiệp có thể là tín hiệu cảnh báo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề. Chẳng hạn, bán hàng không thu được tiền, hay bị nghi ngờ là ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ảo (có nghĩa là chỉ trên danh nghĩa sổ sách chứ thực tế không thu được tiền về). Các ngân hàng và chủ nợ có thể siết chặt các khoản vay, thậm chí không cho vay, dễ đẩy doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.

Các chuyên gia cho rằng, trong các báo cáo tài chính mà các công ty công bố thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể coi là báo cáo quan trọng nhất. Nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thường xuyên thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Trở lại với báo cáo tài chính của DIC Corp, tính tại thời điểm ngày 30/9/2021, tổng tài sản của công ty ghi nhận hơn 13.917 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi của công ty gấp 4,5 lần cuối năm trước, với 2.450 tỷ đồng; Các khoản phải thu tăng 13%, lên hơn 2.547 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm nhẹ 2%, về mức 4.296 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí sản xuất dở dang tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (từ hơn 5.000 tỷ đồng về 2.000 tỷ đồng).

Mặt khác, nợ phải trả của DIC Corp lại tăng mạnh 25%, lên gần 8.823 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của công ty tiếp tục vượt vốn chủ sở hữu và nới rộng chênh lệch lên 3.729 tỷ đồng tỷ đồng từ 2.246 tỷ đồng hồi đầu năm.

Thủ tướng, Bộ Tài chính yêu cầu thắt chặt phát hành trái phiếu vì rủi ro

Thời gian qua, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nhằm huy động tiền vay, trong bối cảnh việc vay vốn tín dụng ngày càng khó khăn do các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là việc các ngân hàng đang kiểm soát chặt dòng vốn vào bất động sản do đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong đó, các công ty bất động sản chưa niêm yết và đã niêm yết chứng khoán liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn như Tập đoàn Nam Long, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và cả DIC Corp.

Từ đầu năm đến nay, ít nhất 5 lần Bộ Tài chính đã đưa ra cảnh báo rủi ro về việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu, ảnh hưởng đến tài chính quốc gia.

Mới đây nhất, ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục có văn bản yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Bhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo thị trường trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, bước đầu đã ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành, 1 công ty chứng khoán.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Trước sự tăng trưởng nóng của trái phiếu doanh nghiệp, ngày 3/12, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Trong công điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2021.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Lãnh đạo Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
20.50 -0.25 (-1.20%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả