Địa ốc First Real muốn huy động lượng lớn vốn, bành trướng phân khúc đất nền và y tế
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào ngày 20/03, lãnh đạo Địa ốc First Real cho biết sẽ bán bớt một số tài sản và dự án đầu tư không hiệu quả để tập trung nguồn lực vào phân khúc đất nền những năm tới.
Chủ tịch HĐQT FIR Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại đại hội. Nguồn: FIR
Đa dạng kế hoạch huy động vốn
Thị trường bất động sản sau Tết bắt đầu có giao dịch trở lại và lượng hàng tồn kho của CTCP Địa ốc First Real (HOSE: FIR) đã được khách hàng quan tâm đặt mua nhiều hơn trước, lãnh đạo Công ty chia sẻ tại đại hội đồng thời kỳ vọng việc kinh doanh trong năm nay sẽ khả quan hơn.
Công ty đặt kế hoạch 350 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi con số thực hiện năm 2023, xấp xỉ thời điểm đỉnh cao năm 2022; lãi sau thuế tới 80 tỷ đồng, gấp 4 lần năm ngoái. Trong năm nay, vốn điều lệ FIR dự kiến tăng lên 860 tỷ đồng, từ mức 642 tỷ đồng trước đó.
Trước thềm đại hội, FIR có lễ ký kết cùng quỹ ngoại High West Capital Partner. Quỹ này cam kết sẽ trở thành cổ đông lớn của FIR thông qua việc mua cổ phần. Đồng thời High West sẽ mua gói trái phiếu có hạn mức 50 triệu USD (khoảng 1,200 tỷ đồng) của FIR.
Ngoài nguồn vốn từ quỹ ngoại, trong năm 2024 và/hoặc sang năm 2025, FIR dự kiến phát hành tối đa 21.4 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền với tỷ lệ 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ có 3 quyền, 3 quyền được mua 1 cổ phiếu phát hành thêm).
Đợt chào bán cổ phiếu nhằm bổ sung vốn trong một số công ty con và công ty liên kết; mua cổ phần và phần vốn góp trong các công ty khác; đầu tư vào dự án mới và một số mục đích chung khác.
Liên quan kế hoạch trái phiếu, FIR dự định huy động thêm tối đa 1,200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn ít nhất 36 tháng.
Lãnh đạo FIR cho biết năm nay sẽ tập trung tìm kiếm, phát triển quỹ đất và tiếp tục triển khai các dự án trên các quỹ đất Công ty sở hữu và có thể bán hoặc chuyển nhượng các dự án không phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Trong năm 2024, FIR sẽ tiếp tục chi trả thù lao đối với mỗi thành viên HĐQT là 5 triệu đồng/người/tháng, mức tương đương năm 2023.
“Lấn sân” từ bất động sản du lịch đến y tế
FIR cũng lấn sân qua mảng y tế trong thời gian tới. Công ty cho biết HĐQT đang nghiên cứu, xúc tiến hợp tác với một số tổ chức để cùng đầu tư vào lĩnh vực này. FIR dự định đầu tư hệ thống bệnh viện, phòng khám, khu nghỉ dưỡng có chất lượng quốc tế, đặc biệt tại những địa điểm thuộc hoặc gần với những khu vực Công ty đầu tư, kinh doanh.
FIR đã chi hơn 64 tỷ đồng (tỷ lệ 53.61%) để góp vốn thành lập CTCP Đầu tư FQ Việt Nam, trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các bệnh viện, trạm y tế. Tổng Giám đốc Hà Thân Thúc Luân (sinh năm 1972) đại diện FIR quản lý phần vốn góp trên. Theo đó, bệnh viện Đa khoa Quốc tế có quy mô 500 giường sẽ được xây dựng tại khu đô thị An Phú – The Trident City.
Bệnh viện tập trung vào các chuyên khoa như sản, nhi, lão khoa cùng hệ thống phòng khám đa khoa vệ tinh. Nhiều khả năng dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2025.
Trước đó vào tháng 09/2023, FIR hoàn tất chi 200 tỷ đồng nhận chuyển nhượng 10 triệu cp CTCP Thương mại – Dịch vụ - Khách sạn Bạch Đằng (Bạch Đằng Complex), tương ứng tỷ lệ sở hữu 22.22%, từ Chủ tịch HĐQT FIR Nguyễn Anh Tuấn.
Bạch Đằng Complex có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng, hoạt động chính kinh doanh dịch vụ khách sạn và cho thuê căn hộ và văn phòng. Công ty này đang sở hữu dự án khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng có vị trí tại số 50 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Kết quả không đạt kỳ vọng
Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng kéo dài được FIR cho là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp gặp khó khăn và “thất thu” trong năm qua.
Bằng chứng là năm tài chính 2023 (kết thúc ngày 30/09/2023), FIR chỉ ghi nhận 169 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 34% kế hoạch đề ra trước đó. Phần lớn nguồn thu vẫn từ chuyển nhượng bất động sản (chiếm 88%).
Lãi sau thuế còn 19 tỷ đồng, thu hẹp đến 83% và cũng chỉ thực hiện 16% chỉ tiêu. Kết quả này khiến biên lãi ròng của FIR thấp nhất từ năm 2015, ở mức 11% dù biên lãi gộp vẫn cao, chủ yếu do chi phí lãi vay đã “vọt” hơn gấp đôi, từ 21 tỷ đồng lên 48 tỷ đồng. Chưa kể khoản lỗ khác gần 8 tỷ đồng.
Cuối năm tài chính 2023, FIR đang có 1.4 ngàn tỷ giá trị tổng tài sản trên bảng cân đối kế toán, tăng thêm 100 tỷ đồng so với đầu kỳ. Chiếm một nửa số đó nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (541 tỷ đồng) và dài hạn (210 tỷ đồng).
Tồn kho của Công ty còn khoảng 310 tỷ đồng, nhiều nhất nằm ở dự án khu dân cư An Phú 234 tỷ đồng, giảm khoảng 60 tỷ đồng từ đầu kỳ; dự án khu nhà ở thương mại Trường Thịnh và Mỹ Cảnh 53 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng.
Cuối năm 2023, HĐQT FIR thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 180 ngàn cp (tỷ lệ 18%) của CTCP Bất động sản Protech với tổng giá trị chuyển nhượng 1.8 tỷ đồng, tương đương 10,000 đồng/cp. Khoản đầu tư trước đó được hạch toán 1.8 tỷ đồng giá gốc và dự phòng giảm 324 triệu đồng.
Về thu nhập, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Anh Tuấn nhận 642 triệu đồng trong năm 2023 (năm 2022 là 735 triệu đồng). Các vị trí Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Giám đốc Tài chính (không bao gồm thù lao kiêm nhiệm chức danh Thành viên HĐQT) được nhận lần lượt 750 triệu đồng/năm, 766 triệu đồng/năm và 750 triệu đồng/năm.
Đến nay, trong nội bộ, ông Tuấn đang sở hữu 15.21% vốn tại FIR, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Trung nắm 3.38%. Ngoài ra còn có ông Vũ Hoàng Việt và bà Vũ Hạnh Quyên (sở hữu 7.82%) trở thành cổ đông lớn trong năm qua. Ông Nguyễn Hào Hiệp vừa giảm vốn sở hữu từ 6.71% xuống 4.35% hồi đầu năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận