ĐHĐCĐ HT1: Tăng trưởng âm, chia cổ tức giảm một nửa
Sáng 26/04, CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 và thông qua kế hoạch doanh thu 7,800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 401 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2021, HT1 có tốc độ tăng trưởng khá tốt nhưng trong 6 tháng cuối năm, sản lượng tiêu thụ sụt giảm mạnh dưới tác động của dịch COVID-19.
Trong đó, chỉ riêng thị trường phía Nam đã tăng trưởng âm 15%. Mức giảm này cao hơn rất nhiều so với mức giảm chung của thị trường xi măng nội địa (5-6%). Những thị trường trọng điểm có thị phần lớn và giá thu về cao của Vicem Hà Tiên ở phía Nam đã chịu tác động nặng nề như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Kết quả, lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 368 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm trước đó.
Thị phần xi măng của Vicem Hà Tiên năm 2021 đạt 32.9. Trong đó, hai thị trường quan trọng Đông Nam Bộ là 32.2% và Tây Nam Bộ là 34.8%.
Theo dự báo của ban lãnh đạo, trong năm 2022, lượng xuất khẩu xi măng, clinker sẽ sụt giảm do các nước chưa sẵn sàng cho việc mở cửa và cảng biển phải giảm tải vì dịch bệnh. Song song đó, chi phí vận tải tăng đã khiến sản lượng xuất khẩu của ngành xi măng giảm đáng kể. Tuy nhiên, HT1 vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ xi măng, clinker từ 6–13% so với năm trước.
Về kế hoạch đầu tư xây dựng, Hà Tiên 1 đặt trọng tâm vào dự án khai thác mỏ đá vôi Thanh Lương, đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng ở đường BOT nối từ Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu (Q.9, TP. Thủ Đức, TP.HCM). Trong năm 2022, HT1 cũng sẽ nâng cao năng lực nghiền xi măng tại nhà máy Kiên Lương. Đây là những dự án vẫn đang triển khai dở dang từ năm trước.
Đối với phương án phân phối lợi nhuận, Hà Tiên 1 dự kiến chi trả cổ tức 2021 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 6% (cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ nhận được 600 đồng). Mức chia này chỉ bằng một nửa năm 2020 (1,200 đồng/cổ phần).
Điều chỉnh tăng giá bán để bù đắp chi phí đầu vào tăng cao
Năm 2022, khó khăn lớn nhất Hà Tiên 1 phải đối mặt chính là chi phí nguyên, nhiên liệu. Trao đổi tại Đại hội, ông Lưu Đình Cường - Tổng giám đốc cho biết cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine đã khiến giá than nhập khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, Hà Tiên 1 đang dịch chuyển sang hướng sử dụng than nội địa, giá hiện nay khoảng trên 4 triệu đồng/tấn. Giá xăng dầu cũng tăng theo giá xăng dầu thế giới và đẩy chi phí sản xuất xi măng, clinker lên cao.
“Ngày 23/03 vừa qua, chúng tôi đã có một đợt điều chỉnh giá, không chỉ riêng Hà Tiên 1 mới điều chỉnh mà tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xi măng từ Bắc chí Nam cũng phải như vậy trong tình hình này. Và sau ngày hôm nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh giá lần nữa. Kỳ vọng những đợt điều chỉnh này có thể bù đắp chi phí năng lượng, nguyên liệu đầu vào” – Ông Lưu Đình Cường nói.
Ông Cường còn cho biết thêm, ngoài phương án tăng giá, công ty tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thay thế như tro bay, xỉ lò cao, thạch cao nhân tạo… để sản xuất xi măng.
Việc chuyển hướng sang sử dụng than trong nước cũng không dễ dàng. Ông Đinh Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT phân tích: “Trước đây, dây chuyền ở nhà máy Kiên Lương và Bình Phước được thiết kế để sử dụng than nhập khẩu có chất bốc lên đến 17%. Nhưng than trong nước lại là than gầy vốn chỉ có chất bốc khoảng 8% nên không có khả năng tạo ngọn lửa dài.
Liên quan đến nguồn nhiên liệu thay thế trong sản xuất, ông Lưu Đình Cường cho biết, Hà Tiên đang sử dụng bã điều, củi trấu và gần đây là vải vụn, đế giày tại nhà máy xi măng Kiên Lương và nhà máy Bình Phước để thay thế than.
“Ban đầu chúng tôi đốt thủ công nhưng giờ thì đã đầu tư hệ thống đốt bán tự động. Ở nhà máy Bình Phước, năm 2020 – 2021, những nhiên liệu này thay thế được khoảng 19-21%, làm lợi cho công ty khoảng 17 tỷ đồng và ở Kiên Lương là 10-15%. Vừa rồi do dịch bệnh nên các công ty dệt may không xuất được hàng, nguồn vải vụn, đế giày cũng bị giảm theo. Mục tiêu của Hà Tiên 1 trong năm nay sẽ nâng lên tỷ lệ thay thế 25%”, ông Cường kỳ vọng.
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận