ĐHĐCĐ BIDV: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng hơn 14%, quý 1 lãi trước thuế hơn 7 ngàn tỷ
Sáng 27/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) được tổ chức để xem xét và phê duyệt các nội dung như kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ…
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BIDV tổ chức sáng 27/04 tại Hà Nội. Ảnh: Thế Mạnh
Quý 1 lãi trước thuế hơn 7 ngàn tỷ đồng
Theo biên bản kiểm phiếu, tính đến 8h sáng 27/04, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BIDV có sự tham dự của 142 cổ đông, đại diện cho hơn 5.48 tỷ cổ phần, tương đương hơn 96.23% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Lãnh đạo Ngân hàng có báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh quý 1/2024: Tổng tài sản BIDV đạt trên 2.28 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng hơn 1.76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; huy động vốn đạt trên 1.9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1.4% theo định hướng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 7 ngàn tỷ đồng, tăng 6.7% so với cùng kỳ.
Kế hoạch tăng vốn lên trên 70.6 ngàn tỷ
Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2024, HĐQT BIDV đề xuất phát hành tổng cộng hơn 1.36 tỷ cp mới để tăng vốn điều lệ từ hơn 57,004 tỷ đồng lên trên 70,624 tỷ đồng thông qua hai phương án:
Đầu tiên là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với số lượng gần 1.2 tỷ cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 21% (sở hữu 100 cp được nhận 21 cp mới). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024-2025, ủy quyền HĐQT sẽ quyết định thời gian cụ thể sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai là chào bán gần 164.9 triệu cp riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ 2.89%, cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính hoặc cổ đông hiện hữu của Ngân hàng. Số lượng nhà đầu tư được chào bán là dưới 100, đồng thời đảm bảo giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu hoàn thành 100% hai phương án trên, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng gần 13,620 tỷ đồng, Ngân hàng dự kiến dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông.
Tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2023
Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ của BIDV là hơn 15,491 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chi 12,347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận còn lại của BIDV hơn 3,144 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch tạm trích lập và sử dụng các quỹ năm 2024, bao gồm: quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tối đa 5% lợi nhuận sau thuế; quỹ dự phòng tài chính tối đa 10% lợi nhuận sau thuế; quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa 3 tháng tiền lương người lao động và 1.5 tháng tiền lương người quản lý.
Mục tiêu dư nợ tín dụng cuối năm 2024 đạt gần 2 triệu tỷ đồng
Năm 2024, BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến mức 14.04%, tương ứng gần 2 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1.4%.
HĐQT BIDV cũng sẽ trình ĐHĐCĐ phê duyệt việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận