ĐHCĐ Petrolimex (PLX): Quý II đã “lên mặt đất”, tự tin với kế hoạch lợi nhuận 1.570 tỷ đồng
Sáng 26/6, Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex - mã PLX) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông theo hình thức trực tuyến thông qua kế hoạch lợi nhuận 1.570 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận này được Tập đoàn xây dựng dựa trên kịch bản dịch tại Việt Nam kết thúc vào tháng 6/2020 và tác động giá dầu được đánh giá bởi 40 nhà đầu tư (mua thông tin qua Reuters).
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT đã chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 2020 của Tập đoàn.
Năm 2020, sự xuất hiện và lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của các nước; việc dư thừa nguồn cung dầu mỏ dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giao dịch xuống mức âm -37,63 USD/thùng vào ngày 20/4/2020 đối với hợp đồng kỳ hạn kết thúc vào tháng 5/2020; Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến thương mại toàn cầu bị suy giảm…
Thị trường xăng dầu trong nước được vận hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức độ cạnh tranh trên thị trường đang ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, nguồn cung trong nước đi vào ổn định tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước.
Trong khi đó, từ ngày 1/1/2020, việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) khiến giá của nhiên liệu mới được thay thế dự kiến tăng 50% so với giá nhiên liệu cũ, làm chi phí vận tải đường biển năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 (khoảng 300 tỷ đồng).
Trên cơ sở đó, Petrolimex đặt kế hoạch sản lượng xăng dầu xuất bán 11,47 triệu m3, tấn, bằng 83% thực hiện năm 2019, doanh thu hợp nhất đạt 122.000 tỷ đồng, bằng 64% thực hiện 2019, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.570 tỷ đồng, bằng 28% thực hiện 2019. Cổ tức dự kiến 12%.
Các chỉ tiêu kế hoạch nêu trên được tính toán dựa trên kịch bản dịch Covid-19 được khống chế cuối quý II/2020, giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm được dự báo ở mức: Xăng 42 USD/thùng, Do 47 USD/thùng, Ko 44 USD/thùng; Fo 250 USD/tấn.
Năm 2020, Tập đoàn tập trung vào các dự án lớn như khẩn trương triển khai thực hiện các công việc của dự án LNG, hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thành công tác đầu tư Trung tâm điện lực Mỹ Giang để tiến hành vận hành thử nghiệm không tải vào quý IV/2025; Xây dựng phương án, lộ trình báo cáo chủ sở hữu phê duyệt để tổ chức thực hiện giảm vốn Nhà nước xuống 51%; Giảm tỷ lệ vốn sở hữu của Tập đoàn tại Pjico xuống còn 35,1%; Thực hiện sáp nhập thành công PGBank và HDBank; Triển khai thực hiện kế hoạch thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn và các đơn vị thành viên theo quy định của Chính phủ.
Trong phần thảo luận, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT PLX cho biết, việc giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 76% xuống 51% đang được Chính phủ xem xét quyết định, sau khi có phương án từ Chính phủ và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước, Tập đoàn mới xây lộ trình.
Về việc bán cổ phiếu quỹ, hiện nay, Tập đoàn đang triển khai bán 15 triệu cổ phiếu quỹ trên thị trường để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, phát triển, đồng thời qua đó tăng tỷ lệ cổ phiếu lưu hành lên 10%, nâng tính thanh khoản cho cổ phiếu PLX trên thị trường chứng khoán.
Sau đợt bán này Tập đoàn còn khoảng 88 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 6,8% vốn điều lệ. Rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm và đặt vấn đề về việc tham gia mua số cổ phiếu quỹ này của PLX, trong đó có đối tác chiến lược JXTG. JXTG đang xem xét để có thể nâng tối đa tỷ lệ sở hữu tại PLX theo quy định của pháp luật và cam kết của nhà đầu tư chiến lược.
Về kết quả kinh doanh quý II, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong quý II, giá xăng dầu tăng trở lại, tuy nhiên tốc độ tăng của quý II so với sự giảm giá đột ngột của quý I vẫn chưa cân bằng dù Petrolimex có lợi thế tồn kho. Hiện tại, chưa kết thúc tháng 6 nên kết quả là dự báo, Tập đoàn ước lãi 350 tỷ đồng. Tập đoàn đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt lãi ròng 1.570 tỷ đồng. Đây là mục tiêu tối thiểu.
Chia sẻ về tình hình sáp nhập PGBank vào HDBank, ông Trần Ngọc Năm cho biết, HDBank và PGBank được chấp thuận về mặt nguyên tắc của NHNN cách đây 2 năm, việc sáp nhập hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào quyết định của NHNN. PLX đã trao đổi với HDBank về thời gian dự kiến sáp nhập được, nếu 2 ngân hàng khó có thể thực hiện về một nhà, PLX vẫn phải thoái vốn ngoài ngành kinh doanh xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận