Đèo Cả: Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo ‘loading’ 99%, chi phí có lúc đội lên đến 40%, lấy công làm lời.
CTCP Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (DNDA) đã báo cáo tình hình thực hiện dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, công tác tổ chức nghiệm thu hoàn thành, thanh quyết toán và các công việc để chuẩn bị cho giai đoạn đưa dự án vào quản lý, vận hành.
Cụ thể, giá trị sản lượng thực hiện tính đến ngày 28/3 là 4.510/4.546 tỷ đồng, đạt 99%, giá trị giải ngân là 4.124/4.510 tỷ đồng, tương đương 91%. Công tác nghiệm thu các gói thầu đã hoàn thành từ ngày 25/3. Theo kế hoạch, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước sẽ kiểm tra dự án trong khoảng thời gian từ ngày 6 - 10/4.
Dự kiến, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ khánh thành, chính thức được đưa vào quản lý, vận hành trong nửa sau của tháng 4/2024.
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ khánh thành, chính thức được đưa vào quản lý, vận hành trong nửa sau của tháng 4 năm nay
Đáng chú ý, thời điểm hợp đồng được ký vào tháng 7/2021, dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án cuối cùng trong 3 dự án PPP thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 ký kết hợp đồng BOT, nhưng đồng thời là dự án đầu tiên hoàn thành việc thu xếp vốn bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác để triển khai thi công. Khi đó, 2 dự án PPP còn lại đang “chênh vênh” bởi nguy cơ “tắc” vốn tín dụng.
Bên cạnh việc nghiên cứu, lựa chọn phương án để tiết giảm 891 tỷ đồng, tương đương gần 10% tổng mức đầu tư dự án, nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đã sáng tạo mô hình huy động vốn “3P+” (hay còn gọi là “PPP+”) để đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư vào dự án, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng. Trong chuyến thị sát công trường cao tốc Bắc – Nam xuyên Tết Nguyên Đán 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi dừng chân tại Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương nhà đầu tư khi giải được “bài toán” đa dạng hoá nguồn vốn.
Tập đoàn Đèo Cả với vai trò đơn vị dẫn đầu trong liên danh nhà đầu tư, lại từng bước khắc phục, quyết không để dự án bị “gián đoạn”, vượt lên trên cả mục tiêu đơn thuần của một doanh nghiệp chỉ tập trung làm kinh tế. Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn - chia sẻ: “Lợi nhuận không cao, chi phí thi công có thời điểm đội lên đến 40% do giá vật liệu tăng phi mã, nên doanh nghiệp phải dựa vào sản lượng, khấu hao thiết bị, lấy công làm lời nhưng vẫn trên tinh thần chia sẻ đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường cao tốc xuyên Việt”.
Là một trong các cố vấn đã theo sát những chuyển động tại dự án này, ông Ngô Văn Quý nhận định, việc tiết giảm tổng mức đầu tư, chủ động một phần nguồn nguyên vật liệu, khắc phục điều kiện thời tiết không ủng hộ thi công dự án, cùng nhiều biện pháp để đưa dự án vượt qua khó khăn là những bước đi đáng ghi nhận của Tập đoàn Đèo Cả, hài hoà lợi ích của người dân, Nhà nước, nhà đầu tư.
“Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đang băng về đích, sẽ hoà mình vào mạng lưới giao thông Bắc – Nam để phục vụ giao thông thuận lợi, an toàn cho người dân vào một ngày không còn xa, chính là minh chứng xác đáng nhất cho sự sáng tạo, vượt khó của nhà đầu tư dự án”, Cố vấn Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận