Đầu tư 289.000 tỷ đồng cho 22 cảng hàng không
Đây là ước tính chi phí để phát triển 22 dự án cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030 theo quy hoạch.
Thông tin trên được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa ban hành.
Giai đoạn 2021-2025, 18 dự án cảng hàng không cần khoảng 133.714 tỷ đồng. Trong số này, riêng ba cảng quốc tế Long Thành, Nội Bài và Tân Sơn Nhất chiếm tổng cộng 106 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 80% tổng vốn đầu tư.
Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư cũng cho thấy đề xuất phát triển cảng hàng không tại một số địa phương đã được cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch như Điện Biên với dự án 3.100 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế với dự án Phú Bài hơn 2.500 tỷ đồng, Quảng Bình với cảng Đồng Hới hơn 1.500 tỷ đồng, Quảng Trị khoảng 5.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư, nâng cấp cảng hàng không tại một số địa phương từng vấp phải không ít khó khăn trong quá trình đề xuất như tại Kiên Giang, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận đều được xác định thực hiện ở giai đoạn 2026-2030.
Cụ thể, cảng hàng không Phú Quốc ở cấp 4E với mức chi phí gần 9.600 tỷ đồng, Pleiku 2.500 tỷ đồng, Liên Khương 2.700 tỷ đồng, Biên Hòa khoảng 5.320 tỷ đồng, Thành Sơn 3.300 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo kế hoạch thực hiện quy hoạch càng hàng không quốc gia, các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, thì báo cáo Thủ tướng chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.
Trong số các dự án thuộc danh mục, đáng chú ý có trường hợp sân bay Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận được khởi động từ 2015 và nằm yên đến nay. Theo kế hoạch mới phê duyệt, sân bay Phan Thiết gồm 2 dự án thực hiện giai đoạn 2021-2030 với tổng vốn 11.700 tỷ đồng.
Thực tế, đây vốn là dự án trộn hai phần BT và BOT, phục vụ mục đích quân sự và hàng không dân dụng. Sân bay có tổng diện tích 543ha, trong đó diện tích quân sự là 150ha, khu hàng không dân dụng là 109,5ha, diện tích dùng chung là 283,5ha.
Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng là nhà đầu tư hạng mục quân sự theo hình thức Hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) và Công ty CP Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng bằng hình thức BOT. Dự kiến khi khởi công năm 2015, công trình với vốn ban đầu 5.600 tỷ đồng - chưa tính phát sinh chi phí từ đường bằng 4C lên 4E sẽ hoàn thành, bàn giao trong năm 2018.
11 năm trước, sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định 3216/QĐ-BGTVT. Đây là sân bay lưỡng dụng, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư phần hạng mục quốc phòng, UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư hạng mục bay dân dụng.
Một năm sau đó, năm 2014, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về dự án đầu tư xây dựng khu sân bay quân sự tại Phan Thiết và sân bay Cam Ranh.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của đơn vị eKQ 920 thuộc Bộ Quốc phòng tại Phan Thiết và hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại tạm thời của đơn vị eKQ920 tại sân bay Cam Ranh theo hình thức BT; hoàn vốn cho nhà đầu tư từ nguồn khai thác quỹ đất tại sân bay Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).
Dự án cơ sở hạ tầng tạm thời eKQ920 tại Cam Ranh có mức đầu tư 325 tỷ đồng (diện tích khoảng 34ha); dự án sân bay quân sự tại Phan Thiết 7.925 tỷ đồng (diện tích 440ha). Nguồn vốn đầu tư 8.250 tỷ đồng dự kiến lấy từ nguồn thu bán đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang và nguồn khác được cấp thẩm quyền quyết định.
Năm 2016, hơn 62ha đất sân bay Nha Trang cũ đã được tỉnh Khánh Hòa sử dụng để hoàn trả vốn cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn – nhà đầu tư thực hiện 3 dự án BT tại tỉnh này.
Hiện tại, tỉnh Bình Thuận đang chờ đợi chấp thuận hình thức chỉ định nhà đầu tư, sau khi dự án được điều chỉnh quy mô từ sân bay cấp 4C lên 4E năm vừa qua và địa phương chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư BOT cũ là Công ty Rạng Đông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận