Dấu hỏi về 18.500 tỷ đồng vốn điều lệ của Bamboo Airways
Công ty FLC Faros đã góp vốn vào Bamboo Airways bằng quyền khai thác kinh doanh khách sạn 5 sao tại dự án Sea Tower, Quy Nhơn. Phần vốn góp này được định giá 900 tỷ đồng.
Sáng 9/5, Công ty Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 18.500 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo hãng bay cho biết, việc tăng vốn là hết sức quan trọng để thực hiện tái cấu trúc công ty, tái cơ cấu nợ và tăng vốn điều lệ bổ sung cho nhu cầu hoạt động và phát triển của công ty.
Khác với Vietnam Airlines và Vietjet Air đều là các công ty niêm yết, Bamboo Airways chưa niêm yết và thông tin tài chính không được công bố ra công chúng. Tình hình tài chính khó khăn của Bamboo Airways được tiết lộ phần nào qua văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, một cổ đông lớn của công ty, hiện cũng là thành viên HĐQT tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Theo đó, từ năm 2022 đến ngày 10/4/2023, tổng số tiền ông Sâm cho Bamboo Airways vay là hơn 7.727 tỷ đồng (bao gồm nợ gốc và lãi) nhằm chi phí cho các hoạt động thường xuyên. Ông Sâm đã ký các hợp đồng cho vay tiền mặt với lãi thấp hoặc không lãi suất và không có tài sản đảm bảo.
Đến nay, Bamboo Airways vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả số nợ gốc và lãi nói trên. Do đó, ông Sâm đề nghị và được cổ đông thông qua việc hoán đổi nợ thành cổ phần. Sau khi kết thúc đợt phát hành, ông Sâm có thể trở thành cổ đông nắm giữ trên 50% cổ phần của Bamboo Airways.
Trước đợt tăng vốn này, hãng bay do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập đã có một hành trình tăng vốn thần tốc. Từ 700 tỷ khi thành lập năm 2017 đến 2.200 tỷ năm 2019 khi cất cánh và tăng mạnh lên 18.500 tỷ đồng vào tháng 9/2021.
Tuy vậy số vốn điều lệ khổng lồ không đủ cho nhu cầu "chi tiêu" của Bamboo Airways, đặc biệt trong 2 năm 2021 và 2022.
Chưa kể các khoản vay khác (nếu có) không được công bố, ước tính trong hơn 2 năm qua, Bamboo Airways đã tiêu tốn hết 25.500 tỷ đồng để duy trì đội bay 30 tàu, bao gồm 3 chiến B787-9, 5 chiếc Emaer E190 và số còn lại là Airbus A320, A321.
Nhưng toàn bộ số tiền này không chỉ phục vụ cho hoạt động hàng không, thực tế Bamboo Airways đã góp vốn vào hàng loạt dự án bất động sản liên quan đến Tập đoàn FLC, bên cạnh việc góp vốn vào các công ty liên quan đến hàng không như dịch vụ mặt đất, suất ăn....
Báo cáo tài chính năm 2020 của FLC ghi nhận, Bamboo Airways góp 450 tỷ đồng với Công ty FLC Travel để hợp tác thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng FLC Resort tại Vĩnh Phúc và góp 1.000 tỷ đồng vào thực hiện dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh An Tường.
Bamboo Airways còn góp 400 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn; 400 tỷ đồng vào FLC Sea Tower Quy Nhơn, 300 tỷ đồng vào dự án KDL Sinh thái Vạn Tường 12, 300 tỷ đồng vào dự án tại Kon Tum, 250 tỷ đồng vào dự án tại Pleiku do FLC làm chủ đầu tư...
Bên cạnh đó Bamboo Airways góp 515 tỷ đồng với công ty Đào tại và Cung ứng nguồn nhân lực HR, góp 305 tỷ đồng vào Công ty Vận chuyển và Cung ứng suất ăn TC, 1.045 tỷ đồng vào Công ty Thương mại dịch vụ ST với mục đích đầu tư cung cấp dịch vụ mặt đất ba cảng hàng không (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng).
Đáng chú ý, trong số vốn điều lệ khổng lồ 18.500 tỷ đồng, không phải cổ đông nào cũng góp vốn bằng tiền mặt. Thay vào đó, FLC Faros đã góp vốn bằng quyền khai thác kinh doanh khách sạn 5 sao tại dự án Sea Tower, Quy Nhơn. Phần vốn góp này được định giá 900 tỷ đồng, tương đương 8,57% cổ phần Bamboo Airways trong lần tăng vốn đầu năm 2021.
Việc góp vốn bằng tài sản với định giá cao như FLC Faros có thể là lời giải vì sao Bamboo Airways lại sở hữu phần vốn góp tại các dự án bất động sản trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Điều này có nghĩa là hãng bay không thu được tiền mặt trong các đợt tăng vốn và phải duy trì hoạt động bằng nguồn vốn vay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận