Dàn lãnh đạo BVBank nắm gần 20% cổ phần ngân hàng
9 lãnh đạo của Ngân hàng Bản Việt và người có liên quan đứng tên gần 20% cổ phần của nhà băng.
Ngân hàng Bản Việt (BVBank) vừa công bố danh sách 9 cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngân hàng, tính đến 30/7. Đây đều là những lãnh đạo đang trực tiếp điều hành và dẫn dắt hội đồng quản trị BVBank.
Trong đó, người đứng tên số cổ phần nhiều nhất là bà Nguyễn Thanh Phượng, Phó chủ tịch BVBank với 22,87 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 4,56%.
Người liên quan của bà Phượng, gồm ông Nguyễn Tấn Dũng, Trần Thanh Kiệm, Nguyễn Hoàng Bảo và các công ty quản lý quỹ đầu tư, chứng khoán, bất động sản... không có cổ phần tại nhà băng này.
Người có sở hữu vốn nhiều thứ hai tại BVBank là ông Ngô Quang Trung, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc BVBank, với 15,68 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 3,12%. Ông Lê Anh Tài, Chủ tịch HĐQT sở hữu 2,86%. Nguyễn Nhất Nam, thành viên HĐQT nắm gần 1% và người có liên quan nắm hơn 1%.
Đồng thời, các phó tổng giám đốc và kế toán trưởng, gồm ông Lê Văn Bé Mười, Văn Thành Khánh Linh, Phan Việt Hải, Nguyễn Thanh Tú, Lý Công Nha mỗi người sở hữu khoảng 1-1,5% cổ phần ngân hàng này.
Như vậy, dàn lãnh đạo của BVBank gồm HĐQT, ban điều hành đang nắm tổng cộng khoảng 17,8% vốn ngân hàng. Tính cả người liên quan, các lãnh đạo của nhà băng này sở hữu gần 20% vốn tại nhà băng.
Theo báo cáo thường niên đến hết 2023, BVBank có 9.546 cổ đông cá nhân, nắm giữ hơn 99,75% cổ phần nhà băng. 24 tổ chức nắm 0,25% cổ phần ngân hàng.
BVBank hiện nằm trong nhóm ngân hàng có quy mô tài sản dưới 100.000 tỷ đồng. Hết quý II, dư nợ cho vay tăng nhẹ hơn 3% so với đầu năm, đạt gần 59.600 tỷ đồng. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm nay, nhà băng này báo lãi trước thuế hơn 150 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch và tăng mạnh so với mức 40 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận BVBank tăng chủ yếu nhờ chi trí trả lãi tiền gửi giảm mạnh hơn so với thu nhập từ cho vay, trong khi chi phí hoạt động giảm so với cùng kỳ.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Danh sách người có liên quan cũng được mở rộng so với trước.
Kể từ 1/7, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận