Đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ ra sao khi ông Trump ký dự luật Hồng Kông?
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký vào dự luật ủng hộ Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông bất chấp sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc, giữa lúc hai bên đang đẩy nhanh đàm phán thương mại về thỏa thuận giai đoạn 1.
Điều này khiến nhiều chuyên gia cho rằng động thái mới của Mỹ sẽ cản trở tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và càng làm gia tăng căng thẳng giữa đôi bên.
“Trong ngắn hạn, thị trường khó mà cưỡng lại quán tính tăng giá (vì những thông tin tích cực gần đây)”, Michael McCarthy, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại CMC Markets ở Sydney, cho hay. Ông nói thêm hậu quả của dự luật Hồng Kông có thể khiến đàm phán thương mại chững lại, dù vậy, thị trường vẫn dự đoán sẽ có thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Trước thông tin đó, thị trường chứng khoán toàn cầu trở nên giằng co quyết liệt giữa hai xu hướng tăng/giảm. Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm nhẹ, trong khi chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều. Cụ thể, Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông gần như đi ngang, Kospi của Hàn Quốc lùi 0.21% và Shanghai Composite của Trung Quốc giảm nhẹ 0.31%.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 0.15%.
Trên chương trình “Squawk Box” của CNBC trong ngày thứ Năm (28/11), Todd Mariano, Giám đốc chi nhánh Mỹ tại Eurasia Group, nói rằng: “Tôi không nghĩ động thái này của Mỹ làm giảm khả năng tiến tới thỏa thuận. Nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự cản trở không ai muốn đối với tiển triển đàm phán thương mại, ngay khi Nhà Trắng muốn hoàn tất thỏa thuận này”.“Động thái này gây phiền lòng cho phía Trung Quốc”, Imre Speizer, Chuyên gia phân tích ngoại hối tại Westpac, cho biết. “Khi chúng ta đang tiến gần tới thời điểm thỏa thuận cần phải được ký kết thì thị trường phản ứng như thể động thái này của Mỹ có thể cản trở đàm phán về thỏa thuận giai đoạn 1”.
“Hồng Kông là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược quốc gia đối với Trung Quốc và ông Trump cũng đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu áp đảo tại Quốc hội Mỹ, bạn biết đấy, điều đó đặt ông Trump vào một vị trí rất khó khăn về một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với giới lãnh đạo Trung Quốc”, ông Mariano nói.
Động thái mới có thể phá vỡ tâm lý lạc quan của nhà đầu tư giữa lúc xuất hiện nhiều tuyên bố tích cực về thương mại Mỹ-Trung trong thời gian gần đây. Trong ngày thứ Ba (26/11), ông Trump cho biết các nhà đàm phán đang tiến gần tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng. Những nhận định lạc quan của ông Trump về thương mại được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ-Trung tổ chức trao đổi qua điện thoại và nhất trí cố gắng giải quyết các vấn đề còn lại của thỏa thuận giai đoạn 1.
Hiện nhà đầu tư đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy động thái mới này sẽ ngăn chặn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến tới một thỏa thuận để xuống thang căng thẳng thương mại.
Hiện ông Trump rất muốn hoàn tất thỏa thuận để xoa dịu bất ổn kinh tế nhằm củng cố thêm cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020, trong khi Trung Quốc cũng muốn tránh gây thêm thiệt hại cho một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm nhất trong nhiều thập kỷ.
Dù vậy, Stephen Chiu, Chuyên gia phân tích ngoại hối và lãi suất châu Á tại Bloomberg Intelligence, cho hay: “Cho dù hai bên có nói gì đi chăng nữa, có vẻ như không dễ tiến tới sự đồng thuận, vì vậy việc tiến tới thỏa thuận giai đoạn 1 có thể rất khó”.
“Tôi nghĩ mọi chuyện có thể dễ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”, Kay Van-Petersen, Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại Saxo Capital Markets ở Singapore, cho biết. “Chúng ta có thể chứng kiến khả năng thị trường suy giảm dựa vào những gì xảy ra trong vòng 24-48 tiếng đồng hồ kế tiếp”.
Nếu thỏa thuận giai đoạn 1 không được hoàn tất trước ngày 15/12, ông Trump sẽ phải lựa chọn có nên thực hiện lời đe dọa áp thêm thuế 15% lên 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc hay không.
Tuần trước, ông Trump cho biết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc “không thể là một thỏa thuận đồng đều về lợi ích”, vì Mỹ “bắt đầu từ sàn” trong khi Trung Quốc “đã ở trần rồi”.
“Quan trọng là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có thỏa thuận trước ngày 15/12”, Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Australia & New Zealand Banking Group ở Singapore, cho hay. “Liệu Mỹ có đồng ý tạm ngưng hàng rào thuế quan để thể hiện thiện chí hay không?”.
Ông Trump cũng bị giới chuyên gia chất vấn: Liệu thỏa thuận tạm thời có ý nghĩa như thế nào? Liệu nó có dẫn tới vòng đàm phán khác hay không?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường