Đại gia Thái thâu tóm DN Việt: Kẻ đu đỉnh với SAB, người lãi đậm nhờ BMP
Trong khi cổ phiếu BMP vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu với chuỗi tăng giá nhiều ngày liên tiếp và lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu SAB lại có phần “trầm” hơn khi thị giá suy giảm tới 25% từ đầu năm.
BMP tăng gấp đôi, SAB mất 25% giá trị
Cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã ghi nhận mức tăng trần vào phiên 22/12/2023, giá đóng cửa đạt 100.000 đồng/cổ phiếu. Sau chuỗi tăng giá 4 ngày liên tiếp, cổ phiếu BMP đi từ mức giá 88.200 đồng/cổ phiếu (18/12/2023) tăng vọt lên mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Kết phiên 25/12, thị giá BMP tiếp tục tăng mạnh lên 105.400 đồng/cổ phiếu và lập đỉnh lịch sử.
Tính từ đầu năm tới nay, thị giá BMP đã tăng trên 100%. Diễn biến tích cực của cổ phiếu BMP làm không ít nhà đầu tư trên thị trường gọi tên cổ đông lớn Thái Lan của Nhựa Bình Minh là The Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SCG - doanh nghiệp có tuổi đời cả trăm năm được thành lập bởi nhà vua Thái Lan Vajiravudh (vua Rama VI).
Doanh nghiệp này hiện đang nắm giữ trên 55% vốn của Nhựa Bình Minh, với tổng số tiền đã chi để gom cổ phiếu BMP từ năm 2012 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng. Tạm tính theo giá thị trường, khoản đầu tư của Nawaplastic vào BMP đã đạt trên 4.500 tỷ đồng. Nawaplastic tạm lãi khoảng 1.700 tỷ đồng.
Khác với BMP, cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB), “con cưng” của Tập đoàn Thaibev lại có diễn biến trái ngược trên thị trường khi đã giảm khoảng 25% từ đầu năm.
Cổ phiếu SAB mở cửa phiên đầu năm ở mức giá 82.240 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh cổ tức và thưởng cổ phiếu) và giữ xu hướng tăng giá trong vòng 1 tháng cho tới đi đạt đỉnh vào ngày 8/2/2023 với mức giá 97.170 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu SAB giảm dần và kết phiên 25/12 ở mức 62.000 đồng/cổ phiếu.
Vào năm 2017, Thaibev của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 110.000 tỷ đồng để thâu tóm 53,59% vốn Sabeco, tương đương mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu. Sau 6 năm, số lượng cổ phiếu SAB mà Thaibev nắm giữ là hơn 687 triệu đơn vị, tạm tính theo thị giá đạt 42.199 tỷ đồng.
Như vậy, giá trị thị trường của khoản đầu tư vào Sabeco của Thaibev so với mức vốn đầu tư ban đầu còn “thua xa”. Theo lịch sử giá, cổ phiếu SAB cũng chưa từng chạm đến mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ tức hậu hĩnh
Gác mức giá thị trường sang 1 bên, sau khi các nhà đầu tư Thái là Nawaplastic và Thaibev rót tiền vào 2 doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Nhựa Bình Minh và Sabeco, trái ngọt rõ ràng nhất mà các đại gia Thái này thu về định kỳ là mức cổ tức hậu hĩnh.
Về Nhựa Bình Minh, kể từ khi niêm yết vào năm 2007 đến nay, doanh nghiệp này mỗi năm đều phân phối lợi nhuận cho cổ đông bằng tiền với tỷ lệ phân phối cao hàng chục phần trăm.
Trong nhiều năm gần đây, Nhựa Bình Minh có xu hướng chia hết phần lời kiếm được cho cổ đông. Điển hình, cổ tức của năm 2022 được doanh nghiệp này chi trả làm 2 đợt với số tiền hơn 680 tỷ đồng (tỷ lệ 84%), tương đương với 99% lợi nhuận ròng của BMP trong năm 2022.
Tương tự, Nhựa Bình Minh cũng dành 99% lợi nhuận ròng của năm 2021 và 2020 để phân lợi ích cho cổ đông, lần lượt số tiền đã chi là hơn 212 tỷ đồng (tỷ lệ 26%) và 517 tỷ đồng (tỷ lệ 63,2%). Cổ tức của năm 2019 đạt hơn 409 tỷ đồng (tỷ lệ 50%), bằng 97% lợi nhuận ròng của năm.
Mới đây, Nhựa Bình Minh cũng tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 với tỷ lệ 65%, số tiền đã chi là hơn 532 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp nhựa này đạt hơn 784 tỷ đồng. Nếu vẫn giữ xu hướng chia hết phần lời kiếm được, cổ đông của Nhựa Bình Minh có thể đón tiếp “cơn mưa” cổ tức vào năm 2024, khi mà doanh nghiệp còn chưa công bố lợi nhuận quý IV.
Theo dự đoán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Nhựa Bình Minh có thể sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2023 với tổng tỷ lệ lên tới 120%.
Trong niềm hân hoan đón “cơn mưa" cổ tức, người vui nhất có lẽ là đại gia Thái Lan SCG. Tổng cộng từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh, The Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SCG đã thu về gần 1.800 tỷ đồng cổ tức.
Không hề kém cạnh về mức cổ tức, thậm chí có phần “sộp” hơn, “ông lớn" ngành giải khát Sabeco với quy mô hoạt động lớn hơn Nhựa Bình Minh đều đặn chi ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để phân phối lợi nhuận cho cổ đông.
Khác với Nhựa Bình Minh, Sabeco không chia hết phần lợi nhuận kiếm được cho cổ đông, tuy nhiên mức cổ tức cũng rất hậu hĩnh lên tới hàng chục phần trăm. Kể từ năm 2017 đến nay, tức là từ khi Thaibev trở thành cổ đông lớn, Sabeco đều đặn thanh toán cổ tức với tỷ lệ từ 35-50% vốn điều lệ.
Tổng cộng, Thaibev đã thu về hơn 9.200 tỷ đồng cổ tức từ Sabeco. Riêng năm 2023, Sabeco đã lên kế hoạch tỷ lệ chi trả cổ tức là 35%. Sau khi hoàn tất tạm ứng theo tỷ lệ 15% vào tháng 1/2024 tới đây, Sabeco dự kiến còn chi trả cổ tức tỷ lệ 20% để hoàn tất kế hoạch và Thaibev còn có thể “đút túi" thêm 1.374 tỷ đồng.
Về triển vọng của cổ phiếu BMP và SAB, các công ty chứng khoán đều tỏ ra khá lạc quan với 2 cổ phiếu này dù diễn biến thị trường có phần ngược nhau. Với cổ phiếu BMP, BVSC cho rằng triển vọng nhu cầu ngành nhựa sẽ tươi sáng hơn nhờ triển vọng cải thiện thị trường bất động sản Việt Nam cũng như các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng. Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh cũng có thuận lợi khi giá hạt nhựa PVC đang ổn định ở mức thấp.
Về dài hạn, BVSC nhận thấy việc Nhựa Bình Minh củng cố vị thế trên thị trường sẽ giúp đảm bảo năng lực đàm phán với khách hàng bằng cách duy trì giá bán ở mức cao. Điều này giúp bảo vệ biên lợi nhuận trong trường hợp giá hạt nhựa PVC hồi phục, theo BVSC.
Kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh cũng là một điểm sáng khi doanh nghiệp nhựa này vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 9 tháng.
Với SAB, BVSC cho rằng việc thị giá của cổ phiếu này sụt giảm mạnh kể từ đầu năm đã phản ánh kết quả kinh doanh kém khả quan. Theo đó, cổ phiếu SAB đã trở về mức giá thấp và an toàn so với lịch sử.
Công ty Chứng khoán Vietcap dự báo lượng tiêu thụ bia sẽ dần phục hồi từ năm 2024. Theo Vietcap, việc Sabeco hợp nhất kết quả kinh doanh của Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco) trong năm 2024 sẽ đóng góp phần nào vào lợi nhuận của Sabeco.
Chi phí đầu vào cho sản xuất bia của Sabeco được dự báo giảm trong nửa cuối năm 2024, biên lợi nhuận gộp của hãng bia này được kỳ vọng tiếp tục tăng chủ yếu nhờ tối ưu chi phí và cải thiện cơ cấu sản phẩm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận