menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này

Từ khi bước lên sàn chứng khoán đến nay, cuộc đua của hai doanh nghiệp đầu ngành nhựa BMP và NTP luôn gay cấn. Bước sang năm 2022, lần đầu tiên BMP vượt NTP ở chỉ số này sau 16 năm niêm yết.

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách Công thương, ngành nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác, nhưng trong giai đoạn gần đây đang có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chỉ sau ngành viễn thông và dệt may, trung bình đạt 16-18%/năm trong giai đoạn 2010 - 2020.

Các sản phẩm của ngành nhựa hầu như có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống bao gồm sản phẩm bao bì nhựa, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa gia dụng và nhựa kỹ thuật cao. Trên sàn chứng khoán, CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) và CTCP Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) là 2 doanh nghiệp niêm yết ngành nhựa có thị phần lớn nhất

Tín hiệu hồi phục tốt sau dịch COVID-19

Báo cáo phân tích từ Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho biết, 2014 - 2017 là giai đoạn tăng trưởng bùng nổ của các doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng, trong đó BMP và NTP là hai doanh nghiệp niêm yết dẫn đầu về công suất thiết kế cũng như thị phần trên cả nước. BMP chủ yếu tập trung xây dựng nhà máy tại khu vực phía Nam, không đầu tư vào khu vực miền Trung; trong khi đó, NTP tập trung vào phía Bắc.

Tuy nhiên, sau giai đoạn mở rộng ồ ạt, nguồn cung từ sau năm 2017 bắt đầu dư thừa, vượt nhu cầu nội địa. Các doanh nghiệp nhựa hạn chế mở rộng quy mô. Công suất thiết kế của BMP và NTP gần như chững lại.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: TCSC

Về mô hình kinh doanh, theo Báo cáo Ngành nhựa từ Chứng khoán FPT (FPTS), B2C (Business to customer) là mô hình kinh doanh chủ yếu của các doanh nghiệp nhựa xây dựng. Các sản phẩm chủ yếu là các loại ống nước, cửa nhựa, tấm trần, sàn nhựa phục vụ cho xây dựng hoàn thiện. BMP và NTP có sản phẩm kinh doanh tương đối giống nhau, bao gồm ống và phụ tùng nhựa (HDPE, PP-R, uPVC), ống và phụ tùng luồn dây điện và một số sản phẩm khác.

So sánh năng lực của NTP và BMP

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: Báo cáo thường niên Công ty năm 2021 và FPTS

Về thị phần, giai đoạn trước dịch COVID-19 (năm 2018), NTP chiếm 26% thị phần còn BMP chiếm 27%. Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch tác động, thị phần 2 doanh nghiệp này đã có sự hoán đổi. Năm 2021, NTP chiếm 28.5% còn BMP chỉ chiếm 27.9%.

Thị phần ống nhựa cả nước

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: FPTS

Do NTP tập trung chủ yếu tại miền Bắc còn BMP chủ yếu tập trung vào khu vực phía Nam, nên khi dịch COVID-19 tác động tiêu cực tại miền Nam trong quý 3/2021, sản lượng tiêu thụ của BMP giảm đi, trong khi NTP hầu như không chịu ảnh hưởng.

Cổ đông ngoại sở hữu phần lớn BMP, trong khi SCIC sở hữu phần lớn NTP

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: KBSV

BMP có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Trong đó, hai nhà đầu tư ngoại là Nawaplastic và quỹ KWE Beteilgungen AG sở hữu gần 65% cổ phiếu BMP. Nawaplastic là công ty con của Tập đoàn SCG Thái Lan. Đây cũng là cổ lớn lớn nhất nắm quyền chi phối BMP kể từ năm 2018.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Trong khi đó, SCIC là cổ đông lớn nhất của NTP với tỷ lệ nắm giữ 37.1%, còn Sekisui Chemical Co., Ltd là cổ đông lớn thứ 2. Cổ đông ngoại Nhật Bản Sekisui chính thức trở thành cổ đông lớn của NTP sau khi sở hữu 15% cổ phần vào năm 2017. Bên cạnh đó, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong Phía Nam trở thành cổ đông lớn thứ 3 sau khi nâng tỷ lệ sở hữu từ 6.68% lên 7.62% hôm 17/01/2023.

Lần đầu tiên BMP vượt NTP về biên lãi gộp

Vào giai đoạn bùng nổ của ngành (2014 - 2017), doanh thu các doanh nghiệp đầu ngành tăng phi mã. Sau 2018, tốc độ tăng trưởng chững lại, một số năm còn sụt giảm.

Quy mô của NTP qua các năm đều vượt qua BMP, riêng 2020 và 2022 thì NTP mới ghi nhận doanh thu thấp hơn. Giai đoạn 2014 - 2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần của NTP trung bình là 9%/năm, còn BMP là 12%/năm.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Về lợi nhuận, BMP có 7/9 năm trong giai đoạn 2014 - 2022 đều cao hơn so với NTP. Năm 2021, dưới tác động của COVID-19 lợi nhuận BMP sụt giảm mạnh chỉ còn 214.4 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa NTP.

Đến năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh của hai doanh nghiệp đều có sự bứt phá với doanh thu thuần NTP và BMP đạt lần lượt hơn 5.69 ngàn tỷ và 5.8 ngàn tỷ, tương ứng tăng 18% và 28% so với năm trước. Lãi ròng BMP năm qua đạt 696.3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm trước đó; còn NTP đạt 479.5 tỷ đồng, tăng 2.5%.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance
Biên lợi nhuận gộp NTP nhìn chung cao hơn so với BMP qua các năm. Trung bình giai đoạn 2014 – 2022, biên lãi gộp Công ty đạt 30%, cao hơn so với mức 22% của BMP. Nhìn rộng hơn, từ năm 2005 đến nay thì 2022 là năm đầu tiên biên lãi gộp BMP cao hơn NTP. Trong giai đoạn này, trung bình biên lãi gộp NTP là 31% còn BMP là 26%.
Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Ngược lại, biên lãi ròng BMP thường cao hơn NTP qua các năm (trừ năm 2021 do tác động của dịch COVID-19 và hai năm 2005 và 2008). Giai đoạn 2005 - 2022, trung bình cứ 100 đồng doanh thu thì BMP mang về 15 đồng lợi nhuận, trong khi đó con số này của NTP là 12 đồng.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Cơ cấu tài chính hai doanh nghiệp

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của NTP đạt gần 5.1 ngàn tỷ, BMP là hơn 3 ngàn tỷ đồng. Cùng thời điểm, nợ phải trả của NTP là 2.23 ngàn tỷ, còn BMP là 416.5 tỷ đồng.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Xét trong 5 năm gần nhất, tài sản ngắn hạn của NTP duy trì trên 50%, còn BMP duy trì trên 65%. Năm 2022, tài sản ngắn hạn của NTP chiếm 61% tổng tài sản, BMP chiếm 73%.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Cơ cấu nợ cho thấy tỷ lệ nợ ngắn hạn/tổng nợ phải trả của hai doanh nghiệp luôn duy trì trên 90% giai đoạn 2018 - 2022. So với NTP thì BMP không có nợ vay dài hạn, nợ vay ngắn hạn không đáng kể. Hệ số đòn bẩy tài chính (D/E) của BMP thấp hơn NTP.

Đòn bẩy tài chính (D/E) của NTP và BMP

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance

Giá cổ phiếu hai doanh nghiệp diễn biến trái chiều trong năm 2022

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance. Giá cổ phiếu cập nhật đến ngày 31/01/2023

Giá cổ phiếu NTP và BMP (đã điều chỉnh) đều chung chiều hướng giảm từ đầu năm 2018 cho đến thời điểm bùng phát dịch COVID-19 lần đầu tại Việt Nam vào tháng 03/2020. Xu hướng này biểu hiện cho một giai đoạn cạnh tranh gay gắt trong nội bộ ngành, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Kể từ đó, giá cổ phiếu NTP tiếp tục diễn tiến theo hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn 1 từ cuối tháng 03/2020 - cuối 01/2022, giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh, lập đỉnh ở mức 58,900 đồng/cp (ngày 28/01/2022), vượt qua thị giá BMP (lúc này ở mức 57,000 đồng/cp). Giai đoạn 2 từ cuối tháng 01/2022 cho đến nay (cuối 01/2023), giá cổ phiếu trong xu hướng giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/01/2023, giá cổ phiếu NTP ở mức 33,900 đồng/cp, giảm 42% từ đỉnh.

Trong cùng khoảng thời gian đó, giá cổ phiếu BMP chia làm ba giai đoạn chính: Giai đoạn 1, giá tăng mạnh từ cuối tháng 03/2020 ở mức 26,100 đến đầu tháng 03/2021 lên 54,600 đồng/cp, tương đương tăng gần 110%. Sau đó, giá cổ phiếu đi vào các phiên điều chỉnh, đến nửa cuối tháng 10/2021, ở mức 48,000 đồng/cp. Từ đó đến nay, giá BMP tích lũy trong biên độ rộng 48,000 - 62,000 đồng/cp.

Chính sách cổ tức tiền mặt cao

Trong 5 năm gần nhất, cả hai doanh nghiệp đều đặn duy trì chính sách cổ tức tiền mặt cao. Tỷ lệ cổ tức của BMP gần như dành hết phần lợi nhuận sau thuế (trung bình hơn 98% giai đoạn 2019 - 2021 để trả cổ tức cho cổ đông do BMP không có kế hoạch tái đầu tư giai đoạn này. NTP dành trung bình gần 59% lợi nhuận sau thuế trả cổ tức cho cổ đông.

Cuộc đua 2 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành nhựa, BMP lần đầu vượt NTP ở chỉ số này
Nguồn: VietstockFinance
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại