menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nhật Anh

Covid-19 và mối lo suy giảm nguồn thu nội địa

Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2 năm 2021 ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020.

Covid-19 và mối lo suy giảm nguồn thu nội địa

Để tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, đồng thời phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: ngay từ đầu năm ngành tài chính đã quán triệt điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Trong báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, do tháng 2 là dịp Tết Nguyên đán, cùng với đó, tác động không thuận của tình hình dịch Covid-19 ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021. Theo đó, tổng thu nội địa chỉ bằng khoảng 50% của thu nội địa tháng 1/2021.

THÁNG 2, THU NỘI ĐỊA BẰNG 50% CỦA THÁNG 1

Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2/2021 ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 286,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,3% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó thu nội địa tháng 2 ước đạt 81,9 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 50% số thu tháng 1. Như vậy, lũy kế thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2021 đạt 246,65 nghìn tỷ đồng, bằng 21,8% dự toán, tăng 2,8% so cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong các khoản thu nội địa 2 tháng qua, có 9/12 khoản thu đạt trên 17%, đảm bảo tiến độ dự toán, bao gồm cả các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 21,1% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26,7% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 27,2% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020... Chỉ có 3 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thuế bảo vệ môi trường đạt 14,7% dự toán, thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 9,1% dự toán và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước chỉ đạt 7% dự toán.

Covid-19 và mối lo suy giảm nguồn thu nội địa

Báo cáo cũng cho biết, trong 2 tháng qua có 46 địa phương trên cả nước thu nội địa đạt trên 20% dự toán, 34 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ và 29 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo báo cáo, khoảng thu từ dầu thô tháng 2 ước đạt 2,2 nghìn tỷ đồng và lũy kế thu 2 tháng đầu năm 2020 đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân giảm là giá thành cũng như sản lượng dầu thô thanh toán đều giảm. Ngoài ra, trong tháng 2/2021 không phát sinh thu từ nguồn kết dư chi phí của liên doanh Vietsopetro.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 2/2021 ước đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đầu năm 2021 đạt 34,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,4% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số thu thuế ước từ xuất nhập khẩu đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán, tuy nhiên đã hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 20 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán.

TĂNG CHI CHO HOẠT ĐỘNG Y TẾ

Về chi ngân sách nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tháng 2/2021 rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. Cụ thể, trong tháng 2 chi ngân sách nhà nước ước đạt 115,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế chi 2 tháng đầu năm 2021 đạt 207,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó chi đầu tư phát triển đạt 23,49 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán, giảm 32,4%.

Báo cáo đánh giá, nhìn chung 2 tháng qua các nhiệm vụ chi ngân sách đã được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong tháng 2 vừa qua, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngân sách nhà nước đã tăng chi cho hoạt động y tế. Đặc biệt là ngân sách một số địa phương đã tập trung chi cho công tác truy vết và đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm phát hiện bệnh Covid-19. Các địa phương khu vực biên giới còn tăng cho bộ đội biên phòng để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Còn ngân sách trung ương đã tiến hành cấp bổ sung cân đối và thực hiện tạm ứng từ Quỹ Dự trữ tài chính trung ương cho một số địa phương dịch Covid-19 gặp khó khăn về nguồn lực...

COVID-19 VÀ MỐI LO NHỮNG THÁNG TIẾP THEO

Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính tỏ ra khá lo lắng khi diễn biến dịch Covid-19 ở một số địa phương còn hết sức phức tạp. Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong những tháng tới. Do đó, từ đầu năm 2021 Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế và hải quan tập trung làm tốt công tác quản lý thu, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp, để thu đúng, đủ, kịp thời số phát sinh vào ngân sách nhà nước. Riêng cơ quan hải quan, phải chủ động tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Ngay từ đầu năm 2021 ngành tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Mặc dù công tác thu ngân sách nhà nước gặp khó ngay những tháng đầu năm nhưng ngành tài chính vẫn giữ nguyên mục tiêu phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước khoảng 15,5% GDP, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế và quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.

"Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành chức năng đã đưa ra những chính sách để tiếp tục hỗ trợ, duy trì quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021, trong đó giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh...", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại