Coteccons miệt mài lao dốc đến bao giờ?
"Ông trùm" xây dựng Coteccons nổi tiếng khi thường xuyên chi trả cổ tức ở tỉ lệ cao từ 50-55%. Tuy nhiên, năm nay, con số này chỉ còn 30%.
Ngày 27/9 tới, Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% (01 cổ phiếu nhận 3.000 đồng). Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 11/10/2019.
Chi "đậm" mặc cổ phiếu dò đáy
Với gần 77,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Coteccons dự chi số tiền gần 232 tỷ đồng. Coteccons cho biết, nguồn tiền chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Coteccons nổi tiếng là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức ở tỷ lệ cao. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016, 2017 mà công ty đã thực hiện đều là 50%, năm 2015 là 55% và 2014 cũng là 50%.
Như vậy mức chi trả cổ tức cho năm 2018 là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây tại doanh nghiệp này.
Trước đó, con số về doanh thu, lợi nhuận của “ông trùm” ngành xây dựng tính đến hết quý 2/2019 cũng đã gây thất vọng không nhỏ đối với cổ đông.
Cụ thể, trong quý II năm nay, Coteccons đạt doanh thu thuần trên 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, sự sụt giảm chủ yếu do doanh thu hợp đồng xây dựng sụt mạnh so với quý II/2018, đây cũng là nguồn thu chính của Coteccons, đạt 5.782 tỷ đồng.
Tuy giá vốn hàng bán thấp hơn 28% so với cùng kỳ lợi nhuận gộp của Coteccons vẫn rất thấp, chỉ đạt 184 tỷ đồng, giảm tới 67% so với quý II/2018.
“Ông lớn xây dựng” còn phát sinh khoản lỗ từ liên doanh, liên kết hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 1 tỷ đồng).
Do vậy, dù đã tiết giảm được 24% chi phí quản lý doanh nghiệp xuống còn hơn 95 tỷ đồng thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons vẫn “bốc hơi” 71% so với kết quả đạt được của cùng kỳ năm ngoái.
Thêm vào đó, lợi nhuận khác cũng chỉ mang lại cho Coteccons hơn 6 tỷ đồng, giảm 58%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế cùng giảm 71% còn lần lượt hơn 156 tỷ đồng và gần 124 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 4 năm qua của Coteccons kể từ quý II/2015.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, Coteccons đạt 10.038 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với nửa đầu năm 2018; lãi trước thuế 883 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 718 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 56% so cùng kỳ.
Với kết quả này, doanh nghiệp của “đại gia” Nguyễn Bá Dương mới chỉ hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 24% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2019.
Để tiến tới “đích” đại hội cổ đông giao phó, xem chừng là một quãng đường còn khá dài.
Trong khi trước đó, việc đặt kế hoạch “đi lùi” cho năm 2019 của Coteccons với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm, lần lượt ở mức 27.000 tỷ và 1.300 tỷ đồng đã gây không ít thất vọng đối với cổ đông.
Trên thị trường, cổ phiếu CTD đang "nỗ lực" hồi phục vài phiên gần đây, sau đợt rớt giá liên tục. Hiện, cổ phiếu CTD đang giao dịch tại mức 99.000 đồng/cp, tăng khoảng 6% so với mức đáy đầu tháng 9.
Đi cùng với đà lao dốc, cổ phiếu CTD liên tục được "sang tay". Đáng chú ý, Korean Investment Management Co., Ltd giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty từ mức 10,31% về 2,05% chính thức không còn là cổ đông lớn, tương đương bán ra hơn 6,3 triệu cổ phần CTD.
Trong diễn biến ngược lại, The8th Ple. Ltd - quỹ ngoại Singapore - đã mua 7,84 triệu cổ phiếu CTD và tăng sở hữu 10,8% vốn (tương đương nắm giữ hơn 8,3 triệu cổ phiếu). Theo đó, The8th Ple. Ltd trở thành cổ đông lớn thứ 4 tại Coteccons.
Mặt khác, cá nhân là ông Turumbayev Talgat - Thành viên HĐQT - có đăng ký mua vào 700.000 cổ phiếu CTD nhưng bất thành do diễn biến giá chưa thuận lợi. Theo đó, vị này vẫn tiếp tục duy trì mức nắm giữ hiện tại là 1,6 triệu cổ phiếu CTD.
Kỳ vọng bứt phá
Nói về CTD, Công ty hiện là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, có thể tham gia các gói thầu lớn và là một trong số rất ít tổng thầu xây dựng có khả năng giữ backlog ở mức 1 tỷ USD để đảm bảo nguồn công ăn việc làm trong tương lai.
Trong giai đoạn 2016-2018, Coteccons luôn duy trì tỷ lệ tiền/tổng tài sản ở mức trung bình trên 30% mỗi năm. Tính đến ngày 30/06/2019, Coteccons có số dư tiền hơn 4.400 tỷ đồng, và không có sự thay đổi nhiều so với con số đầu năm. Công ty chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, Coteccons là một công ty xây dựng lớn có cơ cấu tài chính lành mạnh khi không vay nợ và lượng tiền mặt luôn duy trì ở mức cao.
CTD không có nợ vay ngắn và dài hạn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lành mạnh. Lợi thế này cho phép CTD trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm (5.000 đồng/cp).
Với nguồn tiền lớn như vậy, ngoài việc có thể thực hiện M&A các công ty con (nếu muốn), CTD cũng có nhiều điều kiện để hoạt động trong ngành bất động sản. Cụ thể, trong một lá thư gửi cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương có đề cập, với nền tăng tài chính vững chắc, CTD sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư bất động sản. Theo ông Dương, việc đầu tư này sẽ không mang lại kết quả ngay, làm giảm lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra nguồn thu ổn định trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, theo ông Dương, CTD cũng sẽ nghiên cứu việc sáp nhập một số doanh nghiệp xây dựng nhằm chiếm lĩnh thị phần và mở ra giai đoạn tăng trưởng mới…
Tuy nhiên, câu chuyện mâu thuẫn nội bộ giữa HĐQT dẫn tới rủi ro quản trị doanh nghiệp; đỉnh điểm kế hoạch sáp nhập với Ricons (CTD sở hữu 15%) bất thành khiến cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Minh chứng là đà sụt giảm dài đằng đẵng thời gian qua, đến hiện tại rủi ro trên vẫn hiện hữu tại đơn vị này, giới quan sát cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận