Coteccons “lép vế” trước Hoà Bình, quý II/2023 lãi vỏn vẹn 30 tỷ đồng
Tuy nhiên đây vẫn là một thông tin tích cực đối với Coteccons bởi cùng kỳ năm trước, công ty xây dựng này đang lỗ tới 24 tỷ đồng dù mức doanh thu gần như tương đồng.
Trong bối cảnh ngành xây dựng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả khả quan so với cùng kỳ năm trước nhưng lại có phần lép vế so với “anh bạn” cùng ngành – CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Trong kỳ, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Khoản đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Coteccons là doanh thu hợp đồng xây dựng với 3.612 tỷ đồng, bên cạnh đó cũng có các khoản thu từ cho thuê thiết bị xây dựng và văn phòng.
Đi đôi với sự tăng trưởng của doanh thu, giá vốn hàng bán theo đó cũng tăng lên mức 3.517 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bị thu hẹp về 101 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ.
Một điểm sáng của Coteccons là trong quý II/2023 đã tiết giảm triệt để được tất cả các chi phí từ chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp đến chi phí khác, chỉ có duy nhất chi phí bán hàng phát sinh không đáng kể hơn 36 triệu đồng.
Do đó, công ty xây dựng này đã xoay ngược tình thế, từ mức lỗ gần 24 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước đã báo lãi hơn 30 tỷ đồng sau thuế cho cùng kỳ năm nay.
So sánh với "anh bạn" cùng ngành là Xây dựng Hoà Bình vừa công bố lợi nhuận hơn 546 tỷ đồng trong quý II/2023, Coteccons đã báo lãi thấp gấp 18 lần.
Sở dĩ gọi Coteccons và Hoà Bình là bạn bởi hai "ông lớn" ngành xây dựng này vừa bắt tay đồng hành trong liên danh Hoa Lư tham gia đấu thầu gói thầu lớn nhất của siêu dự án” sân bay Long Thành, với quy mô lên tới 35.000 tỷ đồng ngay trong quý II/2023, qua đó chuyển vị thế của hai doanh nghiệp từ đối thủ thành đối tác.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế hơn 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 10 lần so với cùng kỳ, hoàn thành 88% chỉ tiêu doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, Coteccons nắm giữ 1.882 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng mạnh 77% so với đầu năm do tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng tăng gấp 3 lần từ 429 tỷ đồng lên 1.251 tỷ đồng.
Công ty dành hơn 249 tỷ đồng tiền nhàn rỗi đầu tư vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Trong đó, các khoản đầu tư lớn trong danh mục gồm chứng chỉ quỹ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ đồng), FPT (31,1 tỷ đồng) và MWG (13 tỷ đồng), còn lại 155 tỷ đồng đầu tư không được thuyết minh chi tiết. Coteccons đã giảm trích lập dự phòng từ 60,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 24,4 tỷ đồng cho các khoản đầu tư trên.
Một chỉ tiêu đáng chú ý khác là khoản phải thu khách hàng ngắn hạn ghi nhận tổng giá trị lên tới 10.525 tỷ đồng; trong đó phải thu CTCP Đầu tư KCN Vinhomes tăng từ 322 tỷ đồng đầu năm lên 1.013 tỷ đồng tại cuối quý II/2023.
Hàng tồn kho cũng ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng mạnh, chủ yếu tăng trưởng tại Dự án Ecopark CT21-22 từ 67 tỷ đồng đầu năm lên hơn 364 tỷ đồng cuối quý II.
Ngoài ra, Coteccons ghi nhận đang có 1.574 tỷ đồng nợ xấu, đã trích lập dự phòng 1.064 tỷ đồng. “Con nợ” lớn nhất của Coteccons vẫn là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – đây là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, tâm điểm của những sai phạm liên quan đến trái phiếu - với tổng nợ gần 500 tỷ đồng. Với việc trích lập dự phòng 100% nợ xấu tại Ngôi Sao Việt, có thể thấy Coteccons đã coi đây là khoản nợ có rủi ro rất cao.
Nợ phải trả của Coteccons tại cuối quý II/2023 đạt hơn 13.103 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính đạt 1.194 tỷ đồng, vay tài chính ngắn hạn chiếm phần lớn với hơn 697 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay chủ yếu nằm ở các khoản vay ngân hàng, còn lại vay trái phiếu chiếm tỉ lệ 39%. Còn khoản nợ đối với CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons trong kỳ báo cáo này không được Coteccons nhắc tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường