menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Công ty yến sào xuất hóa đơn 34,000 tỷ vào chứng khoán: Lỗi ở đâu?

Sự việc công ty kinh doanh yến sào được thành lập chưa đến 1 năm và phát sinh doanh thu hơn 34,000 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh đã thu hút dư luận cũng như cơ quan thuế những ngày vừa qua. Mục đích của doanh nghiệp này là gì, hướng giải quyết như thế nào từ cơ quan thuế là vấn đề đang được mọi người quan tâm.

Tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2023 được tổ chức vào ngày 19/07/2023, ông Đặng Khắc Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã chia sẻ về dấu hiệu bất thường trong việc xuất hóa đơn của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã liên tục xuất nhiều hóa đơn trong 7 ngày với tổng giá trị lên đến hơn 34,000 tỷ đồng, nhưng trong đó hóa đơn kinh doanh yến chỉ có 40 triệu đồng, còn lại đều là hóa đơn xuất vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT, nhưng doanh nghiệp xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC).

Hóa đơn đầu ra công ty này ghi nội dung cho các Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ở mục tên người mua thể hiện là "khách hàng không lấy hóa đơn". Do vậy, Chi Cục Thuế quận Bình Thạnh đã gửi yêu cầu xác minh tới doanh nghiệp cũng như HSC về nội dung này

Giải trình với cơ quan thuế, doanh nghiệp này cho biết thực tế có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua HSC bằng phương thức khớp lệnh.

Doanh nghiệp được nhắc đến ở trên là Công ty TNHH Yến sào Hubnest mới được thành lập vào ngày 11/10/2022 với số vốn điều lệ vỏn vẹn 2.5 tỷ đồng. Người đại diện là bà Phạm Thị Hương (ngụ quận 10, TPHCM).

Ngành nghề kinh doanh chính đăng ký là bán buôn thực phẩm (không hoạt động tại trụ sở); bán buôn đồ uống; bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào; bán lẻ lương thực và đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh.

Liên đới được nhắc đến trong câu chuyện này, ngày 31/07/2023, HSC cũng lên tiếng, ngày 24/07/2023, Công ty đã nhận được Công văn của Chi cục Thuế Quận Bình Thạnh đề nghị cung cấp các thông tin về tài khoản của Công ty TNHH yến sào Hubnest. Theo tác nghiệp thông thường, HSC đã cung cấp các thông tin theo yêu cầu cho Cơ quan Thuế vào ngày 27/07/2023, đúng thời hạn mà Cơ quan Thuế đưa ra.

Lỗi ở đâu?

Vậy, vấn đề gây khó hiểu ở đây là thế nào, một doanh nghiệp chỉ mới thành lập có số vốn điều lệ 2.5 tỷ đồng, phát sinh doanh thu trong quý hơn 34,000 tỷ đồng không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà đến từ giao dịch phái sinh trên thị trường chứng khoán. Nhiều vấn đề đã được dư luận đặt ra nhưng dường như vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Mục đích xuất hóa đơn hơn 34,000 tỷ đồng của Hubnest để làm gì: Mua bán khống hóa đơn, né thuế thu nhập doanh nghiệp hay đơn thuần chỉ là lỗi nghiệp vụ hạch toán …?

TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã có một số lý giải cho những vấn đề được dư luận đặt ra .

Ban đầu, dư luận cho rằng mục đích doanh nghiệp này xuất giá trị hóa đơn lớn như vậy là để bán khống , tạo ra chi phí đầu vào VAT cho doanh nghiệp khác, để khấu trừ VAT.

Nhưng rõ ràng trường hợp này Hubnest xuất hóa đơn là “không VAT”, cũng không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế hoặc là khấu trừ thuế, nên chắc chắn không thể phục vụ cho mục đích mua bán hóa đơn.

Việc ghi nhận doanh thu lớn có thể là do kế toán chưa có kinh nghiệm, giao dịch bao nhiêu thì tính bấy nhiêu. Trên thực tế, không cần xuất hóa đơn trong trường hợp này, vì đây là giao dịch trên thị trường phái sinh, thuộc về doanh thu hoạt động tài chính.

Nếu như đây là một bút toán được hạch toán đúng, nhưng lại thuộc trường hợp không cần xuất hóa đơn, vậy trường hợp này thuộc về lỗi nghiệp vụ của kế toán viên.

TS. Huân cũng lưu ý là trên thị trường phái sinh giá trị giao dịch rất lớn do nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, nhưng lợi nhuận thu về thực ra không nhiều. Cũng vì vậy, trường hợp này không phát sinh thuế nên không phải nhằm mục đích cho doanh nghiệp né thuế, cũng không phải mua bán hóa đơn.

Thêm vào đó, khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, thì phải có chi phí tương ứng, nếu con số lên đến 34,000 tỷ doanh thu mà chi phí không tương ứng, sẽ phát sinh lợi nhuận cao, dẫn đến số thuế TNDN phải nộp cho khoản lợi nhuận này rất cao. Chịu rủi ro lớn nhất trong trường hợp này là chính Công ty Hubnest.

Vậy, doanh thu được hạch toán vào đâu? Thường việc mua bán sản phẩm phái sinh có doanh thu 34,000 tỷ thì chi phí cũng phải tương ứng, nguyên tắc mua sản phẩm phái sinh thì mới bán được. Các khoản này nếu hạch toán đúng thì sẽ ghi vào doanh thu và chi phí từ hoạt động tài chính và lợi nhuận từ hoạt động tài chính, chứ không phải là hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, việc ghi nhận doanh thu này nhằm tránh thuế TNCN cho người đầu tư chứng khoán phái sinh nếu như nhận được khoản lãi lớn, vì số tiền đóng thuế TNCN sẽ nhiều hơn so với hạch toán vào khấu trừ thuế TNDN đầu ra. Tuy nhiên, TS. Huân khẳng định ý kiến này hoàn toàn không đúng.

Theo quy định, mua bán trên thị trường chứng khoán sẽ không tính vào tổng thu nhập cá nhân của mình, mà gọi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh chứng khoán. Có 2 cách tính thuế, thứ nhất là 20% trên lợi nhuận, thứ hai là 0.1% trên tổng giao dịch, với cả 2 cách tính này khi giao dịch thì công ty chứng khoán sẽ tự đóng thuế cho nhà đầu tư và trừ tiền, do đó, nếu có phát sinh giao dịch thì phải đóng thuế ngay, không thể có trường hợp né thuế TNCN được. Thuế nộp cho hoạt động kinh doanh chứng khoán không tính theo biểu thuế lũy tiến như thuế đóng theo lương.

Tựu trung lại, TS. Nguyễn Hữu Huân đưa ra quan điểm, trường hợp tại Hubnest liên quan đến nghiệp vụ ở kế toán.

Trách nhiệm của các bên liên quan?

TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định HSC không phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này, vì Hubnest mở tài khoản tại HSC và giao dịch. HSC chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ để công ty này thực hiện giao dịch mua bán sản phẩm phái sinh.

Còn việc công ty này ghi nhận doanh thu đúng hay sai là trách nhiệm của công ty.

Nếu như sau khi kiểm tra, cơ quan thuế nhận định nghiệp vụ hạch toán này chưa đúng, thì doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại.

Trên thực tế, từ trước đến nay cũng chưa ghi nhận trường hợp doanh nghiệp nào hạch toán nghiệp vụ mua bán chứng khoán phái sinh vào hoạt động kinh doanh của công ty, Hubnest là trường hợp đầu tiên.

Về nguyên tắc, kế toán được phép hạch toán vì có phát sinh doanh thu và chi phí. Vấn đề phát sinh là con số bị “bóp méo” so với thực tế, vì một doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.5 tỷ đồng lại phát sinh doanh thu trong kỳ báo cáo 34,000 tỷ.

Chính vì chưa từng có tiền lệ, do đó, vấn đề là cơ quan thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán, thậm chí là Bộ Tài chính cần thống nhất việc ghi nhận doanh thu, chi phí những sản phẩm hoạt động phái sinh này vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp như thế nào cho hợp lý.

Thực tế, hạch toán kế toán không dựa vào bất kỳ nguyên tắc cố hữu nào mà có sự linh động theo từng trường hợp. Theo chuẩn mực kế toán thì khi phát sinh doanh thu, chi phí thì có quyền hạch toán vào báo cáo tài chính. Nhưng con số doanh thu vượt rất nhiều như vậy, cho thấy con số ảo, vượt quá khả năng của doanh nghiệp. Đôi khi không phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, điều này làm cho cơ quan thuế bối rối.

Rõ ràng cơ quan thuế cũng chưa xác định trường hợp này doanh nghiệp đúng hay sai, cần nghiên cứu thêm với những giao dịch phái sinh trên thị trường chứng khoán thì sẽ hạch toán như thế nào cho phù hợp và sau đó hướng dẫn doanh nghiệp làm theo cho đúng.

Cục thuế TPHCM phản hồi

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã nhận được thông tin, tài liệu cung cấp từ Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC).

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết Hubnest không vi phạm về hóa đơn thuế, hoạt động giao dịch chứng khoán của Hubnest là hoạt động bình thường, nhưng do giá trị lớn nên cơ quan thuế đưa doanh nghiệp vào diện giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

Cũng vì giá trị hóa đơn lớn sẽ ảnh hưởng lên hệ thống dữ liệu cũng như phân tích số liệu, do đó Cục Thuế TPHCM cũng đã báo cáo, kiến nghị lên Tổng Cục thuế sửa đổi, bổ sung quy định chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán không phải lập hóa đơn điện tử; và không kê khai doanh thu chuyển nhượng chứng khoán phái sinh thông qua sàn giao dịch của các công ty chứng khoán vào chỉ tiêu hàng hóa, dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 4 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại