Cơn sốt giá vàng SJC kỷ lục, tăng 6,5 triệu trong ít ngày: Người mua gánh rủi ro
Giá vàng trong nước tăng điên đảo trong tuần 6-12/5. Thị trường vàng sôi sục, mua bán trao tay hối hả ngay ngoài cửa tiệm. Trong khi giá thế giới chưa thực sự tăng mạnh như các dự báo. Điều gì sẽ xảy ra nếu vàng thế giới vọt lên?
Tuần điên đảo trên thị trường vàng
Thị trường vàng vừa trải qua một tuần sôi sục sốt nóng hiếm có, giá vàng miếng SJC tăng 6,5 triệu rồi quay đầu giảm hơn 1 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần. Có buổi sáng, vàng miếng SJC tăng thêm 3 triệu đồng mỗi lượng. Tình trạng khan hiếm diễn ra ở nhiều nơi, người dân đổ xô đi mua bán nhưng nhiều cửa hàng không có vàng để bán, thậm chí chỉ mua vào, không bán ra. Giao dịch đã lan ra cả vỉa hè.
Có thể thấy, đây là một đợt sốt vàng hiếm có trong cả thập kỷ qua.
Đợt sốt vàng lần này cũng khá lạ giữa lúc kinh tế vĩ mô chưa căng thẳng như trong quá khứ, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao so với khu vực. Trong khi giá vàng quốc tế vẫn chưa thực sự tăng mạnh, các quỹ đầu tư vàng trên thế giới còn chưa mặn mà với kim loại quý.
Trước đó, trong giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn từ 2008-2012, Việt Nam chứng kiến có khoảng thời gian lạm phát lên rất cao, hơn hai con số, lãi suất ngân hàng chót vót, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn... Bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ khi đó đã góp phần đẩy giá vàng tăng mạnh, đỉnh điểm là vào cuối năm 2011. Bất ổn vĩ mô cộng với giá vàng thế giới tăng vọt khiến thị trường vàng trong nước sôi sục.
Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, quyết định chấm dứt hoạt động huy động - cho vay vàng cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô những năm sau đó đã giúp bình ổn thị trường trong gần thập kỷ.
Cơn sốt vàng lên cao trào vào cuối tuần qua 6-11/5. Trong phiên 10/5, thị trường ghi nhận tình trạng “cháy” không có vàng miếng SJC bán ra ở nhiều cửa hàng lớn tại Hà Nội cũng như TP.HCM. Vàng nhẫn cũng khan hiếm.
Giá vàng SJC tăng dựng đứng thêm 3 triệu đồng/lượng trong phiên sáng 10/5 lên đỉnh cao lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra).
Cho dù giá cao như vậy nhưng sức cầu ở nhiều thời điểm áp đảo cung. Những phiên trước đó, nhiều cửa hàng đã giới hạn số lượng vàng mà khách được mua.
Trong 5 phiên đấu thầu bán vàng của NHNN nhằm tăng cung ra thị trường, 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng (1 tấn vàng tương đương khoảng 32.148 lượng).
Cơn sốt đến bất ngờ, sắp tới ra sao?
Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, cơn sốt vàng được đánh giá chỉ là một cơn sốt nhỏ so với mức tăng có khi lên tới cả chục lần trong các đợt tăng nóng của vàng trước đó. Nó diễn ra trong bối cảnh thiếu vắng các kênh đầu tư hấp dẫn, thị trường tài chính có một số vấn đề và giá thế giới cũng có một đợt tăng khoảng 10%.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2024, thị trường ghi nhận sự tăng giá mạnh của nhiều loại vàng, trong đó có vàng miếng SJC. Từ mức khoảng 80 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC bứt phá lên trên ngưỡng 92 triệu đồng/lượng (tương đương mức tăng 15%).
Còn tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng khoảng 17,3 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 23%.
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế được kéo rộng ra, từ mức 11-12 triệu đồng/lượng trong tuần thứ 3 của tháng 4 trước khi diễn ra phiên đấu thầu vàng lần đầu tiên, lên mức 18-20 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Mức tăng 23% của vàng miếng SJC trong hơn 4 tháng đầu năm là điều khá bất thường, cao gần gấp đôi mức tăng hơn 14% của giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới trong cùng khoảng thời gian.
Giá vàng trong nước tăng vọt, lên tới 3 triệu đồng/lượng trong một phiên, là hiện tượng gần như chỉ thấy trong các đợt sốt trước đây, từ năm 2012 trở về trước khi chưa có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trong các đợt sốt trước, vàng tăng 2-3 triệu đồng trong buổi sáng nhưng chỉ vài tiếng sau đó lại giảm 1-2 triệu đồng/lượng.
Trong đợt sốt vàng lần này, giá vàng miếng SJC đã tăng 6,5 triệu đồng/lượng trong tuần qua, nhưng cuối tuần chỉ giảm được 1,1 triệu đồng/lượng. Tính chung cả tuần, giá vàng miếng SJC vẫn tăng khoảng 5,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh, thị trường ghi nhận một đợt sốt mới trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng khoảng 4,2% kể từ đầu năm.
Trên thực tế, nhiều người cho biết họ mua vàng ở mức giá cao vì lo ngại giá vàng thế giới còn tăng nữa trong bối cảnh bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới và nợ của các chính phủ lên cao. Gần đây, một số dự báo cho rằng, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có thể lên 2.500 USD/ounce (khoảng 77,5 triệu đồng/lượng theo tỷ giá ngân hàng), thậm chí 3.000 USD/ounce, cao hơn nhiều so với mức 2.360 USD/ounce hiện tại.
Nhiều quỹ đầu tư vàng trên thế giới cũng không quá sốt sắng với vàng. Nhưng ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn tiếp tục mua vào. Trung Quốc ghi nhận tháng mua ròng thứ 18 liên tiếp trong tháng 4.
Cuối tuần qua, thông tin một số ngân hàng trung ương các nước hạ lãi suất hoặc/và phát tín hiệu sẵn sàng hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế,... góp phần đẩy giá vàng đi lên trong phiên cuối tuần.
Đây là các thông tin hỗ trợ cho vàng.
Giới đầu tư đang theo dõi khá sát biến động cũng như dự báo giá vàng quốc tế.
Trong nước, sức mua vàng ở mức 90-92 triệu đồng/lượng được cho là không nhiều bởi lo ngại rủi ro khi chênh với giá vàng quốc tế đã được nới rộng lên 18-20 triệu đồng/lượng.
Tốc độ tăng giá vàng SJC cũng khá nhanh, từ mức 41 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2019 tới giờ đã tăng hơn gấp đôi. Dư địa tăng mạnh tiếp của giá vàng trong nước có thể không còn quá nhiều. Kể cả khi vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce, mức giá quy đổi cũng chỉ 93 triệu đồng/lượng. Nếu trong kịch bản này, vàng trong nước cũng chỉ lên khoảng 100-110 triệu đồng/lượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường