Cổ phiếu Vietnam Airlines có thể thoát nguy cơ hủy niêm yết?
Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc có thể quay trở lại sàn giao dịch nếu thuộc trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán. Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 5/1.
Đáng chú ý, tại dự thảo, Điều 120 về hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
Đây có thể là điều khoản "mở đường" để cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines tiếp tục được duy trì niêm yết trên HoSE.
Hiện tại, 2,2 tỷ cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết. Vietnam Airlines vi phạm cả 3 điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo báo cáo kiểm toán, năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.200 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.
Dù vậy, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines, cho biết hoàn cảnh của Vietnam Airlines là "tình huống rất đặc biệt".
Trước đó, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền nói hoàn cảnh của Vietnam Airlines là "tình huống rất đặc biệt", dù đang lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu.
Hãng bay này trước dịch Covid-19 luôn thuộc nhóm doanh nghiệp đứng đầu về giá trị vốn hóa, tài chính minh bạch và khả năng sinh lời cao trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty trong ngành hàng không.
Lãnh đạo Vietnam Airlines nói thêm đang tiến hành đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu, trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu để khắc phục hậu quả của Covid-19.
Trước thông tin về khả năng cổ phiếu HVN được “giải cứu”, mã này tăng kịch biên độ lên 13.100 đồng/cổ phiếu ngay từ đầu phiên chiều 3/1, có thời điểm dư mua trần hơn 1 triệu cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận