Cổ phiếu ngành nhôm có còn được hưởng lợi từ giá nhôm ‘tăng sốc’?
Nhôm đã trở thành kim loại “có giá” khi liên tục chinh phục những đỉnh cao mới khiến giá cổ phiếu ngành nhôm cũng “nổi sóng” theo.
Cơn sốt giá nhôm đẩy giá cổ phiếu “vươn cao”
Sau khi chạm đáy 10 năm vào tháng 4/2020 ở vùng 1,400 USD/tấn, giá nhôm đã liên tục tăng mạnh. Trong phiên 11/10, giá nhôm đã phá đỉnh vượt lên mốc 3,032 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London (LME), mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Eoin Dinsmore, một nhà phân tích của CRU, cho biết: "Do nền kinh tế toàn cầu hồi phục trên diện rộng sau đại dịch Covid-19, nên nhôm đang được hưởng lợi ở hầu hết các mặt trận".
Chuyên gia phân tích Colin Hamilton của BMO Capital Markets cho biết, thị trường nhôm năm nay có thể vượt qua năm 2010 để trở thành “mức tăng nhu cầu hàng năm lớn nhất trong lịch sử”. BMO dự báo tiêu thụ nhôm toàn cầu sẽ tăng 8.5% trong năm nay lên 68.2 triệu tấn.
Nhôm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ đồ hộp đến bao bì, xây dựng và hàng không vũ trụ - những ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ cùng với đà hồi phục kinh tế thế giới. Ngoài ra, nhôm cũng được sử dụng trong ô tô điện, cả trong bộ pin và thân của một số mẫu xe cao cấp.
- Theo Chuyên gia phân tích Colin Hamilton của BMO Capital Markets
Nhu cầu tăng mạnh nhưng Trung Quốc - nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới đã giảm sản lượng nhôm do nước này hạn chế nấu chảy kim loại để giảm ô nhiễm và giảm lượng điện sử dụng do tình trạng thiếu hụt điện vì hạn hán tại tỉnh Vân Nam của nước này, trong khi nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn bởi cuộc đảo chính quân sự ở Guinea, nhà sản xuất bôxít lớn thứ hai và là nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc.
Mặt khác, nguyên nhân đẩy giá nhôm tăng không chỉ đến từ Châu Á. Goldman Sachs Group Inc. cho biết, các nhà máy luyện kim ở Liên minh châu Âu cũng đang phải đối mặt với chi phí gia tăng cùng với tín chỉ carbon và giá điện cao kỷ lục.
Giá nhôm “tăng sốc” khi cuộc khủng hoảng điện gây áp lực lên nguồn cung bởi ngành nhôm là ngành tiêu thụ rất nhiều điện và đà tăng của giá điện rõ ràng đang gây áp lực lên hoạt động sản xuất của ngành này.
Giá nhôm thế giới trong vòng 14 năm trở lại đây
Cơn sốt giá nhôm đã thúc đẩy cổ phiếu của các nhà sản xuất trong ngành tăng mạnh. Trên sàn chứng khoán thế giới, cổ phiếu của Công ty Aluminium Corp – Công ty dẫn đầu ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc tăng vọt lên đỉnh trong phiên 12/09/2021, gấp 2.4 lần so với đầu năm 2021.
Diễn biến giá cổ phiếu Aluminium Corp
Không những thế, cổ phiếu của các “ông lớn” ngành nhôm thế giới cũng đã tăng hai con số trong năm nay, theo đó của Alcoa (Mỹ) tăng 68%, trong khi của Norsk Hydro (Châu Âu) tăng 47%.
Trước diễn biến này, 2 cổ phiếu ngành nhôm trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng mạnh trong tháng 9 vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu NSH kể từ khi niêm yết
Trong đó, cổ phiếu Nhôm Sông Hồng (HNX: NSH) sau thời gian dài đi ngang kể từ cuối tháng 11/2018 ở vùng giá 1,200-3,000 đồng/cp đã bắt đầu tăng dần từ đầu năm 2021 theo xu hướng giá nhôm trên thế giới, và đạt đỉnh điểm tại mức 20,900 đồng/cp trong phiên 22/09/2021, gấp 4.75 lần so với hồi đầu năm 2021. Đây cũng là mức giá cao nhất mà cổ phiếu NSH đạt được kể từ khi niêm yết trên sàn HNX (31/07/2021).
Giá nhôm “tăng nóng” cũng khiến kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của NSH được “thơm lây”. Cụ thể, NSH cho biết doanh thu có tốc độ tăng trưởng cao hơn giá vốn do sang quý 2/2021, giá nhôm trên thị trường tăng vọt nhưng giá vốn tăng chậm hơn do còn có ảnh hưởng giá thấp của hàng tồn kho. Vì thế, doanh thu của NSH tăng 58% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 579 tỷ đồng, giúp biên lãi gộp tăng từ 6.5% lên 7.7%. Kết quả NSH có lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, gấp gần 19 lần cùng kỳ năm trước.
Diễn biến giá cổ phiếu TKU kể từ khi giao dịch UPCoM
Tương tự như NSH, cổ phiếu TKU trong ngành nhôm sau thời gian dài giao dịch “lình xình” quanh mức 10,000 đồng/cp, cũng đã lập đỉnh lịch sử kể từ khi giao dịch UPCoM (11/10/2017) ở mức 50,400 đồng/cp tại phiên 16/09/2021, gấp 4.3 lần so với đầu năm 2021.
Khép lại nửa đầu năm 2021, TKU đạt hơn 576 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp tăng mạnh từ 14.9% lên 20.9%. Sau cùng, lợi nhuận ròng của TKU đạt gần 73 tỷ đồng, gấp 2.74 lần cùng kỳ năm trước.
Dự báo của Moody’s về giá kim loại
Theo báo cáo dịch vụ đầu tư của Moody’s vừa công bố ngày 05/10/2021, trong số các kim loại cơ bản chủ chốt, giá nhôm được dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến ít nhất là đầu năm 2022, vượt mức 2,600 USD/tấn, tương đương 1.18 USD/Ib, mức cao nhất trong một thập kỷ, sau đó duy trì vững cho đến giữa năm 2022.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg đưa ra, ông Eoin Dinsmore, Trưởng bộ phận nghiên cứu sản phẩm nhôm tại CRU, cho biết “Thị trường nhôm toàn cầu trong năm 2022 có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chưa từng thấy.”
Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS, không chỉ giá nhôm tăng mà giá hầu hết các loại hàng hóa (comodity) như sắt, thép và dầu đều có xu hướng tăng. Đó là xu hướng chung của giá cả hàng hóa nên khi giá cả hàng hóa tăng thì nó sẽ có tác động đến một số doanh nghiệp trong ngành.
Nếu doanh nghiệp ngành nhôm niêm yết trên sàn mà họ tự chủ được nguyên liệu đầu vào hoặc có hàng tồn kho lớn trong thời gian giá nhôm ở mức thấp thì các doanh nghiệp này sẽ được hưởng lợi ở thời điểm giá nhôm tăng vì giá bán thành phẩm sẽ tăng theo giá nhôm của thế giới. Theo đó, giá mà doanh nghiệp nhập nguyên liệu đầu vào (Cost of good sold) chỉ ở mức thấp trong khi giá bán đầu ra tăng sẽ làm “cú huých” cho tỷ suất sinh lời của doanh nghiệp này trong ngắn hạn.
Trái lại, đối với một số doanh nghiệp không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào mà phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hay mua lại từ các doanh nghiệp khác thì đây là điều không tốt. Vì giá bán đầu ra của những doanh nghiệp này đã tăng rồi nhưng chi phí đầu vào cũng tăng tương ứng theo. Hơn nữa, khi giá đầu ra tăng, thì một phần chi phí tăng thêm sẽ không chuyển giao cho khách hàng của các doanh nghiệp ngay lập tức mà chỉ chuyển được một phần. Cụ thể, nếu giá nguyên vật liệu tăng 10 đồng, thì họ chỉ hưởng được 6 đồng, còn lại họ phải chịu chi phí là 4 đồng từ đó làm ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Về mặt dài hạn, nếu như giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục giữ ở mức cao thì sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh thu của những doanh nghiệp này vì nếu giá chỉ tăng ngắn hạn thì người tiêu dùng có thể chấp nhận được mức giá đó. Tuy nhiên, trong dài hạn, họ sẽ có tính toán kỹ hơn hoặc tìm kiếm sản phẩm khác thay thế hay có phương án khác để tiết giảm chi phí. Do đó, nếu giá tăng cao trong dài hạn thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận